Thông tin cần thiết cho những ai có nhu cầu xin visa Schengen: Đối với hầu hết mọi người, việc xin visa Châu Âu thường là một cơn ác mộng nếu như không có sự giúp đỡ hay ai đó đi trước hướng dẫn. Đặc biệt là đối với tỉ thứ điều kiện khó khăn mà khối Schengen đặt ra. Nhưng không sao cả, những người môi giới cũng giống như chúng ta thôi, họ làm được, mình cũng làm được. Bài viết này sẽ phần nào giúp đỡ bạn trong việc xin visa để du lịch Châu Âu tự túc.

Thị thực – Visa Schengen là gì?

Visa Schengen cho phép bạn được nhập cảnh vào 26 quốc gia châu Âu nằm trong khối Schengen.

Những nước này bao gồm quốc gia sau đây:

Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein

Trong đó có 22 nước thuộc khối liên minh Châu Âu.

Bạn nên nhớ UK ( Anh Quốc ) và một số nước khác trong bản đồ dưới đây không thuộc khối Schengen nhé. Bạn muốn đến đó phải xin visa riêng đấy.

Làm sao để xin visa Schengen hiệu quả nhất?
Việc xin visa đối với mình giống như việc ngỏ lời sang nhà hàng xóm vậy, chắc chắn người ta chỉ cho mình vào nhà khi mà mối quan hệ của cả 2 đã đến mức nào đó.

Đúng chứ?

Vậy nên các bạn nên chuẩn bị một vài thứ sau để thoả mãn những yêu cầu và mong muốn của họ

Thông tin của bạn phải rõ ràng, trung thực, thể hiện rõ quan điểm và mục đích chuyến đi. Tốt nhất là không nên lập lờ, đến đâu, đi đâu, chi phí bao nhiêu nên ghi rõ, càng rõ càng tốt.

Tài chính phải đảm bảo đầy đủ, thậm chí hơi dư chút cũng không sao, nhiều tiền là một lợi thế ha ha.

Quan trọng nhất bạn sẽ phải thể hiện được mình sẽ tôn trọng văn hoá đất nước họ, không làm gì ảnh hưởng đến công dân và đất nước của họ. Phải đảm bảo là bạn sẽ tuân thủ đúng thời gian visa, không có trốn lại khi hết hạn nha.

Hoàn thiện và chuẩn hoá hồ sơ visa Schengen

Do visa khối schengen có thể đi được tất cả các nước trong khối, nên việc xác định được lãnh sự quán mà bạn định xin visa là điều rất quan trọng.

Bạn nên:

Chọn nước mà bạn sẽ đặt chân đến đầu tiên, xin visa ở lãnh sự quán của họ.

Hoặc là chọn nước mà bạn sẽ lưu trú lại lâu nhất cũng là một cách giúp bạn có tỉ lệ duyệt visa cao hơn.

Ví dụ bạn sẽ đi Pháp, và nơi bạn đến là Paris ha. Bạn sẽ phải lưu ý những điều sau:

Thời gian nộp visa ở lãnh sự quán Pháp sớm nhất là 90 ngày và muộn nhất là 15 ngày trước ngày khởi hành. Cá nhân mình với kinh nghiệm của người thân ( Mẹ mình ) thì tỉ lệ duyệt hồ sơ đi Pháp không khó, nhưng để trả lời cho câu hỏi xin visa Schengen nước nào dễ nhất? thì cái này còn tuỳ thuộc vào từng thời điểm trong năm nữa.

Ngoài ra xin visa tại lãnh sự quán Pháp thì họ không thường yêu cầu phải phỏng vấn, thủ tục hồ sơ tương đối nhanh gọn nếu như bạn cung cấp đầy đủ các yêu cầu của họ kèm theo chi phí làm hồ sơ là 60 Euro nhé.

Trường hợp của mẹ mình là du lịch một mình, không kèm người thân và không có giấy mời. Thời gian lưu trú khoảng hơn 1 tháng. Lưu ý toàn bộ hồ sơ của bạn được dịch sang tiếng Anh nhé. Nếu bạn có nhiều giấy tờ bằng tiếng Việt thì nên liên lạc với các đơn vị dịch thuật để có bộ hồ sơ “đẹp” và đầy đủ.

Xin visa tại một nước, nhưng đến nước khác có được không?

Việc này là hoàn toàn có thể, tuy nhiên bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi tương đối nhiều khi làm thủ tục tại hải quan.

Tuy nhiên đừng lo lắng, nếu hồ sơ của bạn đầy đủ, trong sạch, thời gian lưu trú phù hợp thì bạn vẫn thoải mái nhập cảnh thôi.

Lưu ý cho bạn trong trường hợp này bạn cần phải chuẩn bị sẵn thông tin khách sạn ( Nơi ở ) số điện thoại người thân ( nếu có ), lịch trình của bạn, vé máy bay khứ hồi … càng chi tiết càng tốt sẽ góp phần không nhỏ trong việc thông quan của bạn.

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm (khá nhiều):


Giấy tờ về thông tin cá nhân

+ Visa application form – Download từ trang chủ của LSQ Pháp tại Việt Nam và điền vào đó.

+ Ảnh (3.5×5.5)

+ Passport (Original, Copy) còn thời hạn ít nhất 6 tháng, còn ít nhất 2 trang trắng. Nộp bản chính và bản photocopy tất cả các trang thông tin và các trang có dấu (nếu có).

+ Chứng minh thư nhân dân (Copy)

+ Sổ hộ khẩu (dịch thuật và công chứng tiếng Anh)

+ Giấy tờ chứng minh tài chính

+ Xác nhận ngân hàng về tiền gửi tiết kiệm. Bạn nên có một sổ tiết kiệm giá trị tầm 100-200tr, và đã gửi được từ 3 tháng trở lên. ( Có thể nhờ dịch vụ )

+ Sao kê thẻ tín dụng trong vòng 3 tháng (xác nhận của ngân hàng, hoặc bạn có thể in các mail báo nợ hàng tháng cũng được).

+ Sao kê tài khoản ngân hàng trong vòng 3 tháng (đây là tài khoản trả lương để chứng minh thu nhập từ lương hàng tháng của bạn), có xác nhận từ ngân hàng.

+ Giấy tờ chứng minh công việc

+ Hợp đồng lao động, giấy đăng ký kinh doanh (bản copy), đơn xin nghỉ phép được chấp nhận của công ty đang làm việc (nếu là sinh viên bạn cần có xác nhận của trường đang học) và phiếu lương 3 tháng gần nhất (có xác nhận của công ty).

+ Nếu bạn có công ty riêng các bạn cần nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty mình, và các tờ kê khai thuế của công ty hàng tháng.

+ Giấy tờ cho chuyến đi

+ Chứng nhận bảo hiểm du lịch: hiện nay có rất nhiều công ty bảo hiểm cung cấp loại bảo hiểm này, bạn có thể mua ở đâu cũng được. Thường thì phí bảo hiểm cho 1 chuyến du lịch châu Âu trong vòng 1 tháng là khoảng 500.000đ, và bạn sẽ được hoàn khoảng 90% số tiền phí này nếu bạn trượt visa, bạn nên hỏi trước nhân viên tư vấn bảo hiểm.

+ Bản in vé máy bay điện tử, xác nhận đặt phòng cho toàn bộ nơi ở trong suốt cuộc hành trình. Để đảm bảo độ tin cậy, với vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Paris các bạn đặt ở chế độ thanh toán sau (của Vietnam Airlines), còn đặt phòng các bạn đặt chi tiết cho từng thành phố mà mình đến và nghỉ lại phù hợp với lịch trình gửi trong hồ sơ.

Bạn cũng nên lựa chọn những dịch vụ đặt phòng trực tuyến để đưa vào hồ sơ như Booking.com, Hostelworld hay Agoda, những booking này sẽ hay hơn là các dịch vụ share phòng như AirBnb hay Couchsurfing. Các booking này các bạn đặt những khách sạn cho phép huỷ free trước 1,2 hôm sử dụng dịch vụ, để khi có được visa Schengen rồi mình sẽ huỷ đi và đặt lại cho chính xác và thực tế hơn.

Bạn nên lưu ý về các quy định riêng của từng dịch vụ trong việc đặt và huỷ phòng để tránh mất phí không đáng có. Nếu như bạn đã điền thẻ tín dụng của mình lúc đặt phòng thì nên để ý vì khách sạn có thể charge tiền của bạn trực tiếp theo booking đã ghi nhận trên hệ thống.

Kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi, làm thật chi tiết để tăng thêm độ tin cậy nhé. Đây là mẫu của mình để các bạn tham khảo, liệt kê từng khoảng thời gian nào, ở đâu, làm gì, và di chuyển giữa các địa điểm bằng phương tiện gì, kế hoạch phân bổ chi phí ra sao.

Thư bày tỏ (letter of expression) – đây là một bức thư bằng tiếng Anh để bày tỏ mong muốn được đi du lịch châu Âu và cam kết sẽ tuân thủ mọi quy định của nước sở tại.

Khi nộp hồ sơ các bạn mang hết cả bản chính đi để nhân viên LSQ đối chiếu, sau đó họ sẽ trả lại bản chính cho bạn luôn, chỉ giữ passport và sẽ trả lại khi cấp visa. Về điền đơn xin cấp thì thực thì bạn có thể tham khảo hướng dẫn của LSQ ở đây nhé.

Hoàn tất việc nộp hồ sơ như thế nào?

Sau khi chuẩn bị tất tần tật các thứ bên trên, điều tiếp theo bạn nên làm là đặt lịch hẹn với lãnh sự quán để mọi việc được suôn sẻ hơn. Việc tìm thông tin liên lạc của các lãnh sự quán tương đối đơn giản.

Bạn cần gõ vào khung tìm kiếm của google nội dụng như : lãnh sự quán + “tên quốc gia” (không có ký tự nháy đôi) và enter. Thường kết quả sẽ nằm ở vị trí 1-3

Nếu như bạn cần visa gấp thì nên để ý một chút vì thường lịch hẹn tại lãnh sự quán thường khá dày đặc nên thường thì họ sẽ cho bạn lịch hẹn sau 3-4 ngày làm việc.

Khi đến ngày hẹn, thường thì bảo vệ sẽ giữ chứng minh nhân dân của bạn ( hoặc passport ) và phát cho bạn số thứ tự. Trong trường hợp của mẹ mình, tại lãnh sự quán Pháp thường sẽ có 2 nhân viên. ( một người Việt và một người Pháp ).

Bạn nên chuẩn bị trang phục lịch sự và đầu tóc gọn gàng do lãnh sự quán sẽ yêu cầu bạn chụp ảnh. Ảnh này chính là ảnh sẽ được dán lên Visa cho bạn đấy.

Việc cuối cùng là nhận lịch hẹn trả hồ sơ nếu như bạn được duyệt. Thường lịch hẹn sẽ rơi vào khoảng 15 ngày, tuy nhiên bạn nên chủ động liên lạc và hỏi lãnh sự quán sau 3-7 ngày vì sẽ có một số trường hợp không cần đến ngày hẹn visa của bạn đã xong rồi.

Như trường hợp của mẹ mình thì lãnh sự quán Pháp họ không yêu cầu phỏng vấn. Tuy nhiên điều này không phải 100% xảy ra, và bạn cũng đừng lo lắng quá về việc phỏng vấn nhé.

Thường sẽ có 1 người Việt và 1 người Pháp hỏi, và câu hỏi cũng đơn giản (nếu hồ sơ của bạn khá đầy đủ rồi họ chỉ hỏi thêm để xác minh thông tin thôi). Các bạn chỉ cần trả lời tự tin, và thể hiện được khát khao đi du lịch của mình, đồng thời đảm bảo không làm điều gì phương hại đến lợi ích của đất nước họ, thì cũng dễ dàng qua thôi.