Khi đó, HIV dường như là một thảm họa đáng sợ, xuất hiện bất ngờ và không rõ nguồn gốc. Tiến bộ khoa học ngày nay đưa ra cái nhìn cặn kẽ hơn về cách thức và nguyên nhân virus HIV gây bệnh AIDS trở thành đại dịch toàn cầu.
Mại dâm đã vô tình tiếp tay cho đại dịch hiểm nghèo này lan khắp thế giới. Vai trò của giao thương, sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân và những chuyển biến chính trị xã hội trong thế kỷ 20 cũng góp phần không nhỏ vào sự bùng phát của AIDS.
HIV, theo nghiên cứu của giới khoa học, có thể bắt nguồn từ virus SIV gây chứng suy giảm miễn dịch trên khỉ và khỉ không đuôi ở miền tây Trung Phi. Từ các loài linh trưởng này, virus lây sang người qua nhiều hình thức, một trong số này có thể là món thịt thú rừng mà người châu Phi vẫn săn bắn làm thức ăn.
Theo quan sát của giới nghiên cứu, một số bệnh nhân mang chủng HIV có họ hàng với virus tìm thấy trên loài khỉ nhỏ sooty manabey sống ở châu Phi. Song chủng virus xuất hiện ở loài khỉ này không trở thành vấn nạn toàn cầu.
Có họ hàng gần gũi hơn với con người là khỉ không đuôi như gorilla hoặc vượn, nhưng ngay cả khi HIV có nguồn gốc từ chúng truyền sang người cũng không gây thành đại dịch mà nhân loại đối mặt vào thế kỷ 20. Chủng HIV xuất phát từ khỉ không đuôi thuộc tuýp HIV-1. Trong đó, các ca nhiễm HIV-1 nhóm O chỉ giới hạn ở vùng Tây Phi.
Trên thực tế, chỉ có một chủng HIV lây lan nhanh trên phạm vi rộng khi nhiễm trên người. Chủng này, nhiều khả năng xuất phát từ tinh tinh, có tên là HIV-1 nhóm M (nhóm chính). Ước tính có tới 90% số ca nhiễm HIV được xác định thuộc HIV-1 nhóm M. Điều này khiến giới khoa học đặt ra câu hỏi: "HIV-1 nhóm M có gì đặc biệt?"
Giải đáp cho thắc mắc trên trong một nghiên cứu năm 2014, các nhà nghiên cứu đưa ra câu trả lời khá bất ngờ: "Nhóm M có thể không mang đặc điểm gì quá đặc biệt".
HIV nhóm M không có khả năng siêu lây nhiễm đặc biệt nào như nhiều người đánh giá. Thay vào đó, loại virus "cơ hội" này lại biết tận dụng các điều kiện để phát tán mạnh mẽ.
"Các điều kiện sinh thái học, có ảnh hưởng lớn hơn nhân tố tiến hóa trong việc thúc đẩy tốc độ lây lan chóng mặt của HIV", Nuno Faria, đại học Oxford, Anh cho hay.
Faria cùng cộng sự đã dựng "cây gia phả" cho HIV bằng cách nghiên cứu các trình tự gene thu thập từ 800 người nhiễm HIV ở Trung Phi.
Hệ gene thu nhận các đột biến mới với tốc độ khá ổn định, do đó bằng cách so sánh hai trình tự gene và đếm số điểm khác biệt, các nhà khoa học có thể xác định thời điểm cuối hai bộ gene chia sẻ một tổ tiên chung. Kỹ thuật này được sử dụng khá rộng rãi, điển hình như trong nghiên cứu chứng minh tổ tiên chung của người và tinh tinh sống cách đây ít nhất 7 triệu năm.
"Virus ARN như HIV có tốc độ tiến hóa nhanh hơn ADN con người xấp xỉ một triệu lần", Faria nhấn mạnh. Quá trình tiến hóa diễn ra nhanh tới mức Faria và cộng sự phát hiện các hệ gene của HIV có cùng một tổ tiên chung cách đây không quá 100 năm. Từ đây nhóm ước tính, HIV-1 nhóm M nhiều khả năng bùng phát thành dịch lần đầu vào những năm 1920.
Khởi nguồn
Không dừng lại ở đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục truy tìm nguồn gốc dịch bệnh. Nhờ nắm rõ địa điểm các mẫu bệnh phẩm HIV được thu thập trước đây, nhóm nghiên cứu lần ra thành phố nơi dịch HIV bùng phát đầu tiên là Kinshasa, nay là thủ đô Cộng hòa Congo.
Sau khám phá này, phương hướng nghiên cứu được chuyển từ di truyền học sang tập trung vào chứng liệu lịch sử để giải thích vì sao dịch ở một thành phố châu Phi lại châm ngòi cho cơn bão HIV bùng nổ trên toàn cầu.
Congo vào những năm 1920 là thuộc địa của Bỉ. Kinshasa, còn biết đến với tên Leopodville, vừa được chọn làm thủ đô của đất nước Trung Phi này. Thành phố này trở thành điểm đến cho những người trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm, kéo theo nhu cầu và nguồn cung mại dâm rất lớn. Virus HIV nhanh chóng chớp thời cơ lây lan trong cộng đồng.
Căn bệnh truyền nhiễm không chỉ giới hạn trong phạm vi thành phố. Kinshasa thời kỳ này là một trong những thành phố có mật độ giao thông dày nhất châu Phi. Mạng lưới đường sắt với hàng trăm nghìn người lưu thông mỗi năm tạo điều kiện cho virus được mang sang các thành phố khác trong phạm vi 1.500 km chỉ trong 20 năm. Tất cả điều kiện được chuẩn bị sẵn cho đại dịch nổ ra vào những năm 1960.
Thập niên 60 của thế kỷ trước bắt đầu còn mang theo một sự thay đổi lớn. Congo giành độc lập từ Bỉ và trở thành quốc gia có lượng việc làm dồi dào cho những người nói tiếng Pháp từ các nước trên thế giới, bao gồm cả Haiti. Quay về nước, một số thanh niên Haiti mang theo virus HIV-1 nhóm M tuýp B, giúp virus vượt Đại Tây Dương tới châu Mỹ.
Tới Mỹ
HIV cập bến nước Mỹ vào những năm 1970, ngay thời điểm bắt đầu cuộc cách mạng tình dục và tư tưởng kỳ thị đồng tính luyến ái khiến những người đồng tính tập trung về những thành phố đa sắc tộc như New York và San Francisco. Lần này, virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch lại tận dụng yếu tố chính trị xã hội để phát tán khắp nước Mỹ và sang cả châu Âu.
"Không có lý do gì những kiểu virus HIV-1 nhóm M tuýp khác không lan nhanh như tuýp B, khi xét đến những hoàn cảnh môi trường tương tự", Faria nhận định.
Câu chuyện về sự lây lan của HIV vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2015, HIV tái bùng phát ở vùng nông thôn bang Indiana, Mỹ do nạn tiêm chích ma túy.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phân tích chuỗi gene virus HIV và thông tin về thời gian, địa điểm dịch tấn công, theo Yonatan Grad, từ Đại học Sức khỏe cộng đồng Harvard, bang Massachusetts, Mỹ.
"Những thông tin này làm rõ thêm phạm vi tác động của dịch và giúp giới khoa học nắm rõ khi nào can thiệp y tế sẽ mang lại hiệu quả", Grad nói.
Cách tiếp cận này cũng có hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm khác, theo BBC. Năm 2014, Grad cùng cộng sự Marc Lipsitch công bố kết quả điều tra về độ lan rộng của bệnh lậu kháng thuốc khắp nước Mỹ.
Từ các mẫu bệnh phẩm đại diện thu thập từ các cá nhân riêng biệt với xu hướng tình dục khác nhau ở những thành phố khác nhau và tại thời điểm khác nhau, các nhà khoa học kết luận virus lậu kháng thuốc đã lây lan từ bờ tây sang bờ đông nước Mỹ.
Ngoài ra, họ có thể khẳng định thể kháng thuốc dường như lan truyền chủ yếu ở những nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Điều này là nền tảng để tăng cường tầm soát trên những nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng, nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của dịch.
Lăng kính cộng đồng, bên cạnh yếu tố di truyền, theo các nhà khoa học, là một nhân tố không thể thiếu trong nghiên cứu những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như HIV và lậu kháng thuốc, để có hiểu biết sâu hơn nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch.