Về đích sớm 1 năm và tiết kiệm được hơn 14.000 tỷ đồng - “đại dự án” mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã để lại dấu ấn đặc biệt trong năm 2015; 3 công trình được Nhật Bản trao giải Cống hiến; Khánh thành cây cầu nhân dân đã "mong mỏi bao đời". . .
Cán đính sớm kỷ lục và dôi dư hơn 14.000 tỷ đồng
“Đại dự án” nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có tổng mức đầu tư cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được bố trí theo Nghị quyết số 65 của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng là hơn 64.000 tỷ đồng (trong đó vốn đã bố trí từ các nguồn khác đến hết năm 2013 là 2.600 tỷ đồng; kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 là gần 62.000 tỷ đồng). Sau khi rà soát và điều chỉnh nhiều hạng mục, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là hơn 14.000 tỷ đồng. Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành đã tạo ra một diện mạo mới
Đây là dự án xây dựng hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước đến nay. Việc hoàn thành sớm Dự án so với kế hoạch đề ra từ 12 tháng đến 18 tháng là một trong những kỷ lục từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là đối với một dự án hạ tầng có quy mô cực lớn như Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Dự án có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các khu vực có Dự án đi qua và của cả nước.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, khi dự án đường Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành, đầu tư vào Tây Nguyên đã tăng đột biến với hơn 16.000 tỷ đồng. Các dự án được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc giao thông trên 2 trục giao thông đường bộ quan trọng nhất của đất nước, hạn chế tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải. . . Theo đánh giá ban đầu sau khi các dự án được đưa vào khai thác, đối với tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7-10 giờ thời gian chạy xe, đối với tuyến Tây Nguyên về TPHCM đã giảm ít nhất 3-4 giờ thời gian chạy xe.
Thông xe cao tốc 6 làn xe hiện đại nhất Việt Nam
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe 5/12. Dự án do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư, khởi công từ tháng 5/2008. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là cao tốc đầu tiên tại Việt Nam có 6 làn xe (ảnh: Hữu Nghị)
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài 105,837 km, nối Hà Nội với Hải Phòng, đi qua các tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Đây là đường ô tô cao tốc loại A, tốc độ tối đa 120km/h, 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này sẽ chạy với tốc độ tối đa 120 km/h.
Trong chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ cùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành mạng lưới đường cao tốc xuyên suốt các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, các tỉnh trong vùng đồng bằng Sông Hồng. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng là một bộ phận của quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai” giữa Việt Nam và Trung Quốc có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ và thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cầu Cổ Chiên - “Cây cầu mong mỏi bao đời của người dân Trà Vinh”
Cầu Cổ Chiên khánh thành ngày 16/5 là mang biểu tượng mới, có nhiều ý nghĩa đặc biệt khi nối liền vùng sông nước Cửu Long. Từ đây, người dân của hai tỉnh Tây Nam Bộ là Trà Vinh và Bến Tre sống ven hai sông không còn cảnh gọi đò. Tại lễ thông xe, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm bày tỏ niềm xúc động: “Cây cầu này là niềm mong mỏi bao đời của người dân Trà Vinh”. Cầu Cổ Chiên - cây cầu mong mỏi bao đời nay của người dân Trà Vinh (ảnh: Báo Giao thông)
Đây là một trong bốn cầu lớn trên Quốc lộ 60, là điểm kết nối quan trọng với các tuyến đường thuộc hành lang duyên hải phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long.
Với tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng, cầu Cổ Chiên dài 1,6km với 4 làn xe, tốc độ thiết kế là 80km/h. Công trình đưa vào sử dụng đã rút ngắn hành trình 70 km từ TPHCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.
Ba công trình giao thông đặc biệt được trao giải Cống hiến
Năm 2015, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã trao tặng giải thưởng Cống hiến cho 3 công trình giao thông đặc biệt của Việt Nam là Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (đường nối giữa sân bay Nội Bài với cầu Nhật Tân). Cầu Nhật Tân của Thủ đô Hà Nội (ảnh: Hữu Nghị)
Với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD chủ yếu sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, đây là những dự án giao thông trọng điểm quốc gia được đồng thời khánh thành vào ngày 4/1/2015. Cụm công trình hiện đại này đã tạo ra một diện mạo mới tại cửa ngõ quốc tế của Hà Nội.
Từ khi đưa vào khai thác, chuỗi giao thông liên hoàn Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật và đường Võ Nguyên Giáp được đánh giá là đã giúp cải thiện đáng kể tuyến huyết mạch lưu thông hàng hóa từ cửa ngõ quốc tế về trung tâm thành phố, góp phần cải thiện vượt bậc môi trường đầu tư của Hà Nội.
Hoàn thành 187 cầu treo dân sinh tại các tỉnh miền núi
Năm 2015, Bộ Giao thông đã hoàn thành Đề án xây dựng 187 cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; đảm bảo an toàn giao thông, yêu cầu về chất lượng, an toàn trong quá trình thi công. Từ khi có cầu treo, bản làng miền núi đã có nhiều thay đổi về diện mạo, bà con có điều kiện đi lại thuận lợi, kinh tế - xã hội cũng chuyển biến tích cực hơn. Cầu treo dân sinh tại huyện miền núi Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (ảnh: Báo Giao thông)
Giai đoạn 2 của Đề án sẽ xây dựng 295 cầu treo bằng nguồn vốn kêu gọi từ chương trình “Nhịp cầu yêu thương” của ngành giao thông vận tải. Số tiền còn lại sẽ được vay từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo Dantri, com. vn