Xin chào tất cả các bạn! Mình là 1 người khá may mắn khi là một trong những member tích cực được ASUS mời tham gia buổi offline giới thiệu về ASUS Fonepad đời đầu trước kia và ASUS Transformer Book Trio TX201LA vào chủ nhật (02/03/2014) vừa rồi. Có thể nói hôm đó là 1 ngày khá vui với mình khi được gặp lại khá nhiều bạn cũ cũng như các anh chị đẹp trai, xinh gái trong ASUS Vietnam và có cơ hội trải nghiệm 1 sản phẩm khá hot hiện nay trên thị trường là ASUS Transformer Book Trio TX201LA với chức năng biến hình đa dạng, có thể chuyển đổi nhiều chế độ, mục đích sử dụng khác nhau chỉ trong 1 thiết bị duy nhất

Vì hôm đó mình không mang theo máy ảnh nên bài viết cảm nhận mình xin mượn 1 số hình ảnh minh họa từ 1 số bài viết về Trio đã có trên mạng để cho các bạn dễ theo dõi và hình dung

--------------------------***--------------------------
----NỘI DUNG---
I. GIỚI THIỆU VỀ ASUS TRANSFORMER BOOK TRIO TX201LA
II. CHI TIẾT CẤU HÌNH & CÁC CẢM NHẬN, ĐÁNH GIÁ VỀ THIẾT KẾ
III. GIỚI THIỆU CÁC CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG
IV. MỘT SỐ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA MÁY
V. TỔNG KẾT
--------------------------***--------------------------
I. GIỚI THIỆU VỀ ASUS TRANSFORMER BOOK TRIO TX201LA:

Nếu bạn là 1 người yêu thích công nghệ thì hẳn đã nghe đến các dòng ASUS Transformer. Các dòng Transformer ban đầu là các dòng tablets android với khả năng kết hợp với docking rất tiện lợi và được khá yêu thích trên thị trường trong các dòng tablets android dù số lượng bán ra của nó chưa phải là nhiều vì về mặt giá cả các dòng này chưa được tốt lắm. Năm 2013, tại triển lãm công nghệ CES, ASUS đã quay trở lại với khẩu hiệu “WE TRANSFORM” với các dòng ASUS Transformer Book nối tiếp truyền thống và sự đi lên trong mảng thị trường tablets, thể hiện tinh thần “In search of Incredible – Tìm kiếm những điều vượt ngoài mong đợi” và mang đến các thiết bị gần gũi với cuộc sống hơn. Transformer Book đúng như khẩu hiệu của ASUS, chúng đã thay đổi hoàn toàn rất nhiều định nghĩa về 1 chiếc tablets/laptop lai và có nhiều bước đột phá so với những người tiền nhiệm. Đặc biệt là các dòng: ASUS Transformer Book Trio TX201LA, ASUS Transformer Book Duet TD300 với 2 hệ điều hành (Android & Windows 8) với nhiều khả năng chuyển đổi. Hôm nay mình xin nêu cảm nhận trên tay của mình sau 1 buổi sử dụng thử ASUS Transformer Book Trio TX201LA với các chức năng 3-in-1 khá độc đáo này.

Điều gì đã làm nên sự khác biệt của Trio và vô số thiết bị lai khác trên các thị trường như DELL XPS 12, Vaio Duo 11, HP Elitebook Revolve 810…? Có lẽ bạn sẽ có câu trả lời sau khi đọc hết bài viết này

II. CHI TIẾT CẤU HÌNH & CÁC CẢM NHẬN, ĐÁNH GIÁ VỀ THIẾT KẾ:

1. Đánh giá tổng thể:

Có lẽ bạn cho rằng: chiếc tablets với dock hoặc cover bàn phím đã quá bình thường, những chiếc laptop windows chỉ còn là quá khứ, chỉ dành cho làm việc và các thiết bị android đa phần là hàng giá rẻ cho người dùng phổ thông phục vụ giải trí. ASUS đã có 1 sự đột phá, đi đầu trên một thị trường công nghệ “thay đổi hay là chết” với quá nhiều cạnh tranh gay gắt như hiện nay khi kết hợp tất cả những thứ trên vào một thiết bị duy nhất. Và nó có tên là ASUS Transformer Book Trio TX201LA, 1 chiếc… à mà phải gọi tên là gì nhỉ? Tablet không đúng, laptop cũng sai, PC thì chưa đủ. Thôi cứ gọi em nó là ASUS Transformer Book Trio TX201LA vậy, còn xếp nó vào danh sách thiết bị nào thì tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn

ASUS là 1 trong những công ty công nghệ trẻ mà mình khá yêu thích với sự đầu tư thiết kế khá công phu vào các sản phẩm tầm trung và cao cấp của mình như các các dòng Transfomer tablet, Zenbook UX, ASUS N và đặc biệt là dòng laptop mình ưa thích nhất U series với đại diện cuối cùng là U47VC tại Việt Nam. Một lần nữa, ASUS lại làm thu hút mọi ánh mắt với thiết bị ASUS Transformer Book Trio TX201LA. Mình xin nói gọn lại: Trio là 1 thiết bị lai chạy 2 nền tảng hệ điều hành Android 4.2 và Windows 8 cùng 3 chế độ làm việc khác nhau: laptop, tablet hoặc là desktop PC với khả năng chuyển đổi 1 cách cực kì nhanh chóng, tiện lợi nhờ 1 phím nóng chuyên dụng và 1 công nghệ chuyển đổi nhanh OS độc quyền từ ASUS .

Tổng thể của Transformer Book Trio chủ yếu được gia công bằng chất liệu kim loại cứng cáp, vì thế đã trực tiếp làm cho trọng lượng của máy tăng lên đáng kể (tổng: 1.7kg - tablet: 0.7kg - PC station: 1kg), khá nặng so với 1 thiết bị 11.6”. Bao quanh khung viền màn hình được Asus mạ chrome bóng loáng và khá sang trọng. Có thể nói Transformer Book Trio được thiết kế ngoại hình không nhạt nhẽo cũng không quá táo bạo, giống như những gì mà Asus đã làm trên Transformer Pad Infinity. Asus Transformer Book Trio gồm hai phần màn hình và dock bàn phím được thiết kế với bộ xử lý riêng biệt.

Mình xin đi sâu hơn vào từng phần của thiết bị.

2. Cảm nhận, đánh giá phần tablet:

Khi bạn tháo phần màn hình ra khỏi phần đế thiết bị thì chiếc màn hình này trở thành 1 chiếc tablet android 11.6” với đầy đủ các chức năng cơ bản.

Cấu hình chi tiết:




  • Vi xử lý: Intel Atom Z2560-2C/4T (1.6 GHz)
  • Màn hình: IPS LCD 11.6-inch Full HD (1080p), cảm ứng 10 điểm
  • Bộ nhớ: LP DDR2 1066MHz 2GB
  • Dung lượng: 16GB đến 64 GB EMMC
  • Camera: sau 5MP quay phim 1080p; trước 1.2 MP 720p
  • Kết nối: Wi-Fi chuẩn 802.11 a/b/g/n, không 3G
  • Pin: 19Wh
  • Hệ điều hành: Android 4.2 Jelly Bean
Phần màn hình được Asus trang bị hệ điều hành Android 4.2.2 với màn hình cảm ứng điện dung rộng 11.6 inch với độ phân giải Full HD IPS (1080 x 1920 pixel) khá đẹp với góc nhìn rộng, sáng và độ tương phản cao. Màn hình này hỗ trợ cảm ứng đa điểm lên đến 10 ngón tay, rất phù hợp với việc giải trí đa phương tiện. Vì chiếc máy được trang bị cấu hình khá khủng và CPU Intel Atom Z2560 là dòng CPU công nghệ mới nền tảng Clover Trail+ cho hiệu năng rất tốt dù chỉ 2 nhân, 4 luồng nhưng không kém các dòng CPU ARM 4 nhân khác là mấy. Quà trình sử dụng mình không cảm thấy hiện tượng trễ, giật xảy ra ở giao diện menu Android hoặc ở 1 số games cài sẵn trên máy. Điều là mình không thích đầu tiên là kích thước viễn màn hình của máy khá dày nên 1 phần nào đó làm giảm độ sang trọng của máy. Đây cũng là 1 đặt điểm chung của khá nhiều dòng tablets khác từ ASUS như Nexus 7 2013 chẳng hạn. Mặt sau của màn hình hỗ trợ 2 loa ngoài với chất lượng âm thanh stereo kết hợp với công nghệ âm thanh SonicMaster độc quyền từ ASUS cho người dùng có thể trải nghiệm phim ảnh, game, âm nhạc khá tốt. Tiếc là máy không có kết nối 3G.



Vì chiếc máy được gia công bằng kim loại nên cảm giác cầm chiếc máy trên tay khá đằm và sang trọng, 700g thì không hẳn là nặng so với 1 chiếc tablet 11.6”. Thiết kế của máy không cân đối ở hình dạng tablet lắm nhưng khi cắm vào dock lại tạo sự cân bằng và vững chắc tốt hơn. Cụ thể là cạnh trên của máy bo tròn nhưng cạnh dưới bằng phẳng với nhiều cổng kết nối: khe đọc thẻ nhớ microSD, micro-USB, jack audio 3.5mm và đặc biệt là phần cổng docking để kết nối với phần đế khá đặc biệt và chắc chắn. Các cổng kết nối này chỉ có thể sử dụng khi đã tháo phần tab ra khỏi dock vì khi cắm vào dock thì bản lề máy đã che khuất hầu hết và không thể sử dụng được về mặt lý thuyết. Nút nguồn nằm ở phía cạnh trên bên trái của phần tablet, dưới chút bên cạnh trái là nút tăng giảm âm lượng.



Camera phía trước 1.2MP hỗ trợ quay phim, chụp ảnh 720p giúp bạn có thể thoải mái đàm thoại video với bạn bè nhưng nếu dành cho “tự sướng” thì chưa đủ vì chất lượng của nó khá bình thường, không phải là tốt lắm. Một điểm trừ của máy là vị trí lỗ microphone và camera sau nằm ở vị trí khá “hoàng đạo” (phía dưới bên trái), không phù hợp với cách cầm nắm của đa số người sử dụng. Nếu ASUS đưa camera này lên gần cạnh trên nằm ở giữa hoặc lệnh 1 bên nào thì sẽ ghi điểm tốt hơn. Chất lượng camera tương đối ổn, nhưng nếu bạn muốn chụp 1 bức ảnh nghệ thuật thì nên dùng 1 chiếc smartphone chụp ảnh tốt như Nokia Lumia 920, Iphone 5s chẳng hạn hoặc đỉnh hơn là DSRL cho đẳng cấp

Về pin: thực sự với riêng phần tab thôi thì viên pin không phải là 1 tính năng đặc sắc vì nó chỉ 19Whr, hơi thấp so với các dòng tablet 10” khác trên thị trường. Mình chưa có thời gian trải nghiệm nhiều nên không rõ nó có thể trụ được bao lâu, nhưng theo 1 số nguồn thì phần tablet sử dụng tầm được 4 tiếng lướt web wifi, nhưng nếu có dock thì thời gian sử dụng sẽ tăng lên được đáng kể vì viên pin trên dock có dung lượng đến 33Whr.



3. Cảm nhận về phần docking (PC Station):

Điều khác biệt lớn nhất và đẳng cấp của ASUS Transformer Book Trio TX201LA so với các dòng Transformer tiền nhiệm cũng như 1 số dòng tablet android có hỗ trợ dock bàn phím khác chính là phần docking (PC Station) này. Phần dock bàn phím được thiết kế hoàn toàn giống các dock bàn phím của những mẫu máy tính bảng có hỗ trợ dock bàn phím của Asus đang bán trên thị trường với bàn phím cứng đầy đủ với Trackpad cảm ứng. Tuy nhiên bàn phím của Transformer Book Trio còn đóng vai trò là 1 PC station với tất cả phần cứng độc lập chạy hệ điều hành Windows 8. Máy có trang bị loa Bang & Olufsen và công nghệ âm thanh Sonic Master cho âm thanh tương đối tốt, nhưng hơi thiếu âm bass. Ngoài ra wifi chuẩn 802.11ac dual-band đời mới nhất cũng là 1 đặc điểm nổi bật của sản phẩm này. 2 bộ phận tab và dock có 2 thiết bị wifi riêng giúp bạn có thể đảm bảo kết nối không dây thoải mái bất cứ khi nào trong thời đại wifi có khắp mọi nơi như hiện nay

Cấu hình:



  • Vi xử lý: Intel Core i5 4200U-2C/4T (tối đa i7)
  • Card đồ họa: Intel HD Graphics 4400
  • Bộ nhớ RAM: 4GB DDR3
  • Ổ cứng HDD: 500GB
  • Pin: 33Wh
  • Hệ điều hành: Windows 8 (64-bit)
Đập vào mắt đầu tiên là thiết kế khá sang trọng của em nó với vỏ hợp kim bóng loáng, bàn phím chicklet với kích thước phím khá nhỏ và phần cổng docking để kết nối với phần tab khá hoành tráng.


Về cổng kết nối: tương đối đầy đủ so với các dòng laptop 11.6” khác. Vì để làm mỏng máy nên ASUS đã trang bị 2 cổng xuất ra màn hình khác là mini-HDMI mà mini-DisplayPort thay cho cổng VGA truyền thống. Để xuất ra cổng VGA truyền thống cho các máy chiếu đa số hiện nay bạn phải dùng adapter chuyển đổi từ 2 cổng trên. Ngoài ra cổng mạng RJ-45 cũng không có sẵn mà bạn phải dùng một bộ chuyển đổ từ RJ-45 sang USB.


Về phần cổng docking: mình đánh giá đây là 1 giải pháp khá hay của ASUS. Giữa 2 thiết bị tab và dock có thêm 2 cực nam châm ở 2 bên giúp bạn có thể dễ dàng cắm tab vào đúng vị trí trong điều kiện thiếu ánh sáng. Ngoài ra bằng cách này, phần dock có thể kết nối với phần tab cực kì chắc chắn mà không xảy ra các hiện tượng lỏng, xê dịch.


Về bàn phím: bàn phím dạng chicklet dễ vệ sinh nhưng kích thước phím điều hướng hơi nhỏ thường thấy ở các dòng máy <13.3” và không có phím PageUp/PageDown/End/Home. Không phải là mình không biết nó mà là nó không biết mình vì mình là người hay sử dụng các phím này để lướt web và đọc văn bản. Bàn phím gõ tương đối tốt với hành trình phím tương đổi, độ nẩy cao nhưng không có đèn nền để sử dụng ban đêm. Ngoài ra 1 điểm trừ của mình là ASUS đã đưa nút nguồn vào vị trí góc phải bên trên gần sát phím Backspace hay dùng giống như thiết kế của 1 số dòng hot boy khác như ASUS Zenbook Infinity vừa được bán ra. Nếu gặp những người gõ bàn phím chưa quen hoặc vô tình thì có thể sẽ có tình trạng gõ nhầm sang nút nguồn và làm máy chuyển sang Sleep khi đang sử dụng. Mình nghĩ nếu các dòng thế hệ sau các kĩ sư ASUS nên tránh việc này

Về touchpad: touchpad thiết kế dạng clickpad với 2 nút chuột nằm ẩn phía dưới. Các thao tác cảm ứng khá tốt nhưng việc bấm các nút chuột phát ra âm thanh to gây ra cảm giác sử dụng không thoải mái lắm. Điều này xảy ra với rất nhiều dòng laptop khác khi quá chạy theo ngoại hình, mình vẫn thích 4(hoặc 5) phím chuột nổi bấm êm trên các dòng Elitebook, Thinkpad hoặc Latitude truyền thống hơn.

Về hiệu năng: chiếc máy có hiệu năng tương đối ổn so với nhu cầu văn phòng. Nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu ASUS có sẵn cấu hình 128GB-256GB SSD cho những bạn ngại phải nâng cấp nhiều lần sau khi mua máy. Nếu bạn giải trí, chơi games nhẹ nhàng, nhu cầu văn phòng thì Trio sẽ đáp ứng tốt. Còn nếu bạn là người hay chơi những games 3D nặng thì chọn 1 chiếc máy cao to, đen, hôi có card đồ họa nVidia/AMD vẫn sẽ tốt hơn. Trong quá trình mình sử dụng giải trí nhẹ nhàng không có hiện tượng nóng xảy ra. Vì không có điều kiện thời gian để benchmark nhưng nhìn cấu hình của nó thì bạn cũng có thể dễ dàng đoán ra chiếc máy này mạnh đến đâu và dành để làm gì rồi

Pin: tương đối ổn, tùy vào chế độ bạn chạy là laptop android/win8 hoặc PC station mà cho thời lượng pin khác nhau. Nếu bạn dùng dạng laptop win8 thì máy sẽ lướt web tầm được 5 tiếng.



III. GIỚI THIỆU CÁC CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG:

Máy có 3 chế độ sử dụng chính với cơ chế chuyển đổi và sử dụng cực kì tiện lợi:

1. Tablet: tháo màn hình ra ta sẽ được một chiếc tablet chạy android 4.2 với đầy đủ các chức năng cơ bản

2. Laptop: 1 chiếc laptop 11.6” với khả năng chuyển đổi giữa 2 hệ điều hành Android 4.2 và Windows 8 một cách nhanh chóng nhờ phím chuyển đổi chuyên dụng

3. PC Station: chiếc dock bạn có thể kết nối ra một màn hình khác bằng cổng mini-HDMI hoặc mini-DP để trở thành 1 chiếc máy desktop All-In-One (AIO). Trái với 1 số dòng AIO như Apple Mac hoặc 1 số dòng AIO từ ASUS, HP, DELL… khác là có phần “trái tim” của máy nằm sau màn hình thì ASUS Transformer Book Trio TX201LA lại có hệ thống xử lý nằm dưới bàn phím.

***Ở trạng thái tablet và PC Station thì chiếc máy cũng không có gì khó hiểu cần để phải giải thích và giới thiệu thêm. Mình xin đi sâu vào trạng thái laptop của máy khi mà dock và tab “hợp thể”



Khi bật máy, 2 hệ điều hành có phần cứng riêng biệt nhau cùng khởi động một lúc. Chính vì vậy bạn có thể dễ dàng dùng 1 phím cứng nằm trên bàn phím chuyển giao qua lại giữa 2 hệ điều hành đang chạy song song đó. Việc chuyển đổi thường khá nhanh trong tích tắc nhưng chuyển từ android sang windows sẽ lâu hơn 1 chút. Khi đang sử dụng Windows 8 tháo ra khỏi dock bàn phím, máy sẽ tự động chuyển sang chế độ Android (vì thực chất phần tablet chỉ là màn hình xuất ra cho phần dock windows 8 thôi). Nhưng, khi cắm lại vào bàn phím, máy sẽ không tự chuyển về Windows. Lúc này chiếc máy là 1 chiếc tablet có hỗ trợ dock bàn phím để dễ dàng nhập liệu.


Ở khía cạnh 1 chiếc laptop chạy android (hoặc 1 chiếc tablet android hỗ trợ dock bàn phím) thì mình đánh giá rất tốt, nó giống như các dòng Transformer trước kia vậy. Nhưng còn ở khía cạnh 1 chiếc laptop chạy windows 8 cảm ứng thì mình thấy nó thực sự chưa xuất sắc vì thiết kế vỏ sò này không phù hợp cho cảm ứng vì dùng sẽ mau mỏi tay. Nếu nó ở dạng xoay, gập, tháo dock gì đó thì cảm ứng sẽ tuyệt vời hơn nhiều. Ngoài ra mình là người hay tiếp xúc nhiều với máy tính. Mình vẫn thích 1 chiếc máy có màn hình chống lóa (matte screen) hơn là 1 màn hình gương cảm ứng (glossy touch)

IV. MỘT SỐ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA MÁY:

ASUS đã trang bị theo một lô các phần mềm chuyên dụng gom lại tất cả trong 1 phần mềm duy nhất là ASUS Console. Với nó, bạn có thể quản lý Trio một cách cực kì hiệu quả và khai thác tối đa phần cứng và tính năng của máy



1. Cơ chế quản lý năng lượng:

ASUS đã tính toán trước việc này và bạn có thể hoàn toàn yên tâm rằng Trio có 1 cơ chế quản lý năng lượng khá hoàn hảo. Mình đã được các anh chị ASUS giải thích khá rõ ràng về công nghệ quản lý năng lượng này:

- 2 thiết bị hoàn toàn có thể sạc riêng với 2 bộ sạc khác nhau hoặc sạc chung nhờ bộ sạc của dock tùy vào nhu cầu sử dụng và các cấu hình tùy chỉnh của bạn trong chương trình ASUS Console (ASUS Smart Charging)



- Khi phần tablet kết nối với phần dock thì tất cả năng lượng trên 2 phần có thể sử dụng chung với nhau để tăng thời lượng pin

- Nếu cắm nguồn phần dock và bạn kết nối phần tab vào ở chế độ sạc Automatic thì phần tab sẽ không được sạc trừ khi pin phần tab <20%. Điều này sẽ giúp thiết bị tránh việc sạc xả nhiều lần gây giảm số vòng sạc (mất 1 vòng sạc nghĩa là pin sẽ chai đi 1 tí)

- Pin không thể tháo ra. Việc này là đúng khi ở VN mạng điện khá chập chờn. Bạn sẽ không bị “thằng người ta” hay “anh kĩ thuật” bá đạo nào đó bày dại tháo pin. Mình đã gặp không ít trường hợp chết mainboard vì tháo pin rồi. Nếu giả sử bạn đang sử dụng 1 chiếc laptop khác thì mình khuyên chân thành. Viên pin chỉ đáng 1 triệu, còn chiếc máy hơn 10tr. Bạn nên tiếc chiếc máy hơn là tiếc viên pin

- Bạn có thể tắt đi hoặc chuyển sang chế độ Sleep/Lock hệ điều hành cho từng thiết bị nếu không sử dụng tới để cho thường lượng pin tốt hơn

2. Cơ chế trao đổi dữ liệu:

Bạn có thể dễ dàng trao đổi dữ liệu giữa 2 hệ điều hành của máy một cách dễ dàng và khá đơn giản bằng phần mềm chuyên dụng từ ASUS là Trio Disk Share. Điều này cực kì tiện lợi khi mà bạn đang dùng Windows vẫn có thể dễ dàng truy cập vào dữ liệu của 16GB bộ nhớ tablets và cả trên thẻ nhớ microSD nữa. Điều này tương tự khi bạn sử dụng Android.




3. Một số tính năng thú vị khác:

a. Trio Hotspot: cho phép bạn phát wifi từ dock với nguồn internet từ dây mạng RJ-45 để phần tab tách rời vẫn có thể truy cập mạng mà không cần phải cài thêm bất cứ chương trình nào khác từ hãng thứ 3 như Connecity hoặc Virtual Router chẳng hạn



b. ASUS Webpage Share:

Bạn đang ngồi sử dụng windows, đang đọc 1 trang web “dài và xa lắm”. Bạn muốn nghỉ làm việc, tách dock ra kiếm chỗ nào nằm đọc tiếp trang web trên. Nếu như bình thường thì bạn sẽ phải bookmark lại trang web đó, google lại hoặc phải copy link để trên 1 file nào đó để khi qua tablet android có thể đọc tiếp được. Tất cả việc đó lãng phí khá nhiều thời gian. Đừng lo, ASUS đã rất “tâm lý” khi cung cấp chức năng ASUS Webpage Share. Việc này có thể giúp bạn nhanh chóng truy cập vào những trang web đang đọc dở dang trên hệ điều hành kia khi chuyển đổi giữa 2 chế độ android sang windows 8 và tất nhiên là có hỗ trợ ngược lại. Tất cả nhờ vào hệ thống Notification và Status Bar của 2 OS.



c. Ngoài ra còn có 1 số tính năng khác như ASUS Power4Gear để quản lý năng lượng, ASUS Splendid để điều chỉnh màu sắc màn hình, Audio Wizard để tinh chỉnh âm thanh cho máy…

4. Và những điều thú vị/không thú vị lặt vặt khác:

a. Máy có tổng cộng 4 loa, 2 nằm trên dock, 2 nằm trên tab nhưng có lẽ ASUS chưa tích hợp được khả năng sử dụng được tất cả 4 loa này khi sử dụng ở dạng laptop. Bạn dùng hệ điều hành nào thì chỉ sử dụng được 2 loa trên hệ điều hành đó. Nếu mà ASUS cập nhật bios, firmware cho Trio hoặc ở các thế hệ Trio sau này, ASUS bổ sung thêm chức năng sử dụng được cả 4 loa thì sẽ thú vị hơn nhiều đấy

b. HDD 500GB chậm quá, trước giờ SSD quen rồi. Nâng cấp làm sao ta? Mình nghĩ điều này khá dễ dàng nếu HDD dễ tháo, chỉ cần clone disk là xong. Nhưng thiết kế của Trio có phần hơi “compact” nên mình nghĩ bạn nên đem lên TTBH để được hỗ trợ tránh trường hợp táy máy làm sao có thể bị từ chối bảo hành

c. Phần tablet đơn giản chỉ là màn hình xuất ra cho phần dock, hoàn toàn không có mối liên hệ về “tâm linh” nào giữa 2 phần. Bạn có thể đem tablet của 1 chiếc Trio này, cắm vào phần dock của 1 chiếc Trio khác mà vẫn sử dụng hoàn toàn bình thường. (Nhưng có lẽ phải thực hiện đồng bộ lại ASUS Trio Disk Share vì nó dùng cơ chế network để trao đổi, tráo 2 thiết bị thì địa chỉ MAC của network controller cũng thay đổi theo vì mỗi NIC có MAC khác nhau và duy nhất). Không rõ ASUS có bán từng phần của Trio không nếu sau này ta hư 1 trong 2 phần chẳng hạn. Mình nghĩ chắc là sẽ có

d. Nếu bạn cần kết nối máy chiếu dùng cổng VGA thì chịu khó mua 1 cái adapter miniDP/miniHDMI to VGA. ASUS không hỗ trợ theo phụ kiện này cũng như adapter USB to RJ-45 khi mua máy


V. TỔNG KẾT:

(Theo quan điểm cá nhân)

1. Ưu điểm:

- Một thiết bị biến hình độc đáo có 3 chế độ sử dụng (tablet, laptop, PC Station) với khả năng sử dụng độc lập hoặc phối hợp 2 bộ phận xử lý riêng lẻ với 2 hệ điều hành phổ biến hiện nay: Windows cho làm việc, Android cho giải trí với kho ứng dụng GooglePlay phong phú

- Các chức năng ASUS Console hãng kèm theo được tối ưu tốt cho nhu cầu sử dụng

- Bàn phím và touchpad tốt

- Thiết kế chắc chắn, build quality tốt với vỏ kim loại bền bỉ và sang trọng.

- Thời gian sử dụng pin dưới dạng laptop (cả android và windows 8) tốt

- Màn hình sáng, độ tương phản cao, góc nhìn rộng với IPS

- Khả năng lưu trữ dữ liệu lớn (tất nhiên là sẽ không được nhanh như SSD)

- Trang bị các cổng kết nối cao cấp DisplayPort và HDMI không bị lỗi thời khi trong tương lai cổng VGA sẽ dần dần được loại bỏ

- Trang bị wifi chuẩn AC với băng tần kép của Intel thế hệ mới nhất

- Bản lề chắc chắn, tha hồ tháo lắp. Gãy thì bạn yên tâm vì đã có bảo hành 2 năm từ ASUS

2. Nhược điểm:

- Ổ cứng HDD chậm so với 1 chiếc ultrabook, bạn nên nâng cấp lên SSD nếu có điều kiện

- Giá cao (vì độ chất thiết kế). Mình không dám mua, ai cho thì ok

- Thời lượng pin tablet không cao, khi kết nối với dock thì mới khắc phục được điều này

- Hơi nặng và dày so với 1 thiết bị 11.6” nhưng nhét ngần ấy linh kiện vào thì đành phải vậy thôi

- Bàn phím không có đèn nền, hơi tiếc cho 1 chiếc máy >20tr.

- Phím nguồn của dock và Camera sau của tablet nằm ở vị trí không hợp lý

3. Ý kiến cá nhân:

ASUS Transformer Book Trio TX201LA là 1 thiết bị lai cực kì độc đáo từ ASUS, có rất nhiều phá cách so với vô số laptop lai khác trên thị trường từ chính ASUS hoặc các đối thủ cạnh tranh. Nhiều việc trong việc sử dụng máy móc hằng ngày càng trở nên dễ dàng và tiện lợi cùng Trio. Bạn sẽ không phải mang theo 1 chiếc laptop windows để làm việc, 1 chiếc tablet android để giải trí mà tất cả đã gói gọn vào 1 thân hình 1.7kg của Trio. Khá phê!

Sẽ nếu thế nào nếu ASUS tạo ra 1 sản phẩm 4 trong 1 nhỉ? Nhét thêm 1 chiếc smartphone vào Trio như điều đã làm trên ASUS Padfone? Tại sao không nhỉ? Mình nghĩ ASUS cũng đang có dự tính đó rồi. Vấn đề là thời gian đến khi nào chúng ta được chiêm ngưỡng nó thôi. Và lúc đó chắc nó tên là Tetra-o

Túm váy lại, nếu bạn là 1 người yêu công nghệ ASUS, thích cả Windows 8, Android và túi tiền rủng rỉnh thì ASUS Transformer Book Trio TX201LA là 1 sự lựa chọn rất tốt. Còn nếu chỉ Windows 8 cảm ứng thôi thì mình nghĩ ASUS Transformer Book T100 với mức giá rẻ vẫn là sự lựa chọn thông minh hơn

Cảm ơn các bạn đã đọc bài và chúc các bạn nếu đang quan tâm Trio sẽ sớm rước được em nó về review cho mọi người

p/s: ảnh: notebookcheck, CuLong (tinhte),…


Người viết: SGS Phạm Văn Luận
FB: www.facebook.com/sogetsu001