ICTnews – Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng, Viettel, VNPT là những nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số, nhưng chưa tích hợp một chữ kí số sử dụng nhiều dịch vụ, chữ kí số dùng cho thuế thì không đem ra sử dụng cho dịch vụ bảo hiểm, làm cho tài nguyên quốc gia không được sử dụng hiệu quả

Ngày 31/12/2015, Bộ TT&T đã tổ chức Báo cáo Tổng kết công tác năm 2015 và phương phướng, nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TT&TT diễn ra vào ngày 31/12/2015. Trong đó, có phần báo cáo của đại diện các Sở TT&TT địa phương.

Trong phần phát biểu của mình, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng là một trong những địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào các cơ quan Nhà nước, nhưng còn có một vài vấn đề đang gặp khó.

Trước hết, đó là việc các cán bộ công chức chưa có thói quen sử dụng chữ ký số, thay cho chữ ký thông thường, ngoài ra: ”Những quy định về kĩ thuật hướng dẫn trình bầy văn bản điện tử, chữ ký số của trung ương chưa có sự ban hành chi tiết, khó cho việc áp dụng”.

Ông Thanh cũng thẳng thắn cho rằng, chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số chưa cao, chưa có nhiều tiện ích: ”Viettel, VNPT là những nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số, nhưng chưa tích hợp một chữ kí số sử dụng nhiều dịch vụ, chữ kí số dùng cho thuế thì không đem ra sử dụng cho bảo hiểm (dịch vụ bảo hiểm), làm cho tài nguyên quốc gia không được sử dụng hiệu quả”.

Đại diện cho Sở TT&TT Đà Nẵng, ông Thanh hi vọng việc triển khai nhanh Nghị quyết 36a về Chính phủ Điện tử sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành, của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự thay đổi về một vài cơ chế nhỏ, ví dụ như muốn chia sẻ dữ liệu thì Đà Nẵng phải gửi văn bản từ 2 tháng, đến nhiều ngày mới có sự chia sẻ dữ liệu.

Đà Nẵng mong muốn Chính phủ và Bộ TT&TT có sự đôn đốc trong việc tạo cơ chế mở hơn để chia sẻ dữ liệu cho địa phương, đưa ra các chiến lược thông tin để hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, sớm ban hành chi tiết về việc hướng dẫn trình bầy văn bản điện tử, tham mưu, rà soát, đơn giản hoá việc sử dụng chữ ký số.