ICTnews - Lãnh đạo hai Sở TT&TT TP. HCM và Đà Nẵng đều cho biết địa phương gặp nhiều khó khăn do cơ sở dữ liệu của một số Bộ, ngành triển khai không liên thông, kết nối với các hệ thống thông tin địa phương đang vận hành để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay, ngày 31/12/2015, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM cho biết, đối với việc triển khai ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ, khó khăn lớn nhất của tại các địa phương khi triển khai chính là sự kết nối cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành trung ương với các hệ thống thông tin thành phố đang vận hành để phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Cụ thể, tại TP. HCM tiêu biểu nhất là bài học về triển khai hệ thống đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi triển khai, Bộ hoàn toàn không hỏi gì thành phố, áp đặt xuống nên đã tạo ra sự xáo trộn, lãnh phí. Đến thời điểm hiện tại, TP. HCM đã buộc phải quay lại sử dụng hệ thống thành phố đã triển khai để phục vụ cho sự ổn định của môi trường đầu tư, phục vụ doanh nghiệp.

Tương tự, TP. HCM cũng gặp khó khăn với việc triển khai phần mềm địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường; và mới đây nhất là Bộ Tư pháp với hệ thống thông tin về hộ tịch điện tử. “Chúng tôi nghĩ cần phải có sự thống nhất, đồng bộ để địa phương biết được bên trên làm gì, trung ướng nắm được bên dưới đang làm gì và kết nối với nhau. Các Bộ nêu làm các cơ sở dữ liệu lớn và có sự kết nối với hệ thống thông tin địa phương đang vận hành, chứ không nên áp đặt phần mềm dùng chung”, ông Hỷ nói.

Khó khăn kể trên của TP. HCM cũng đang là vướng mắc của Đà Nẵng. Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của địa phương hiện còn vướng mắc về cơ chế giữa các cơ quan nhà nước. Một số ứng dụng chuyên ngành, việc triển khai từ Bộ, ngành không có sự phối hợp của địa phương nên khó hiệu quả.

Theo ông Thanh, cũng giống như TP. HCM, Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc triển khai hệ thống đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đã Nẵng đã phải bỏ ứng dụng đã chạy ổn định trước đó, nhưng ứng dụng mới thì việc đảm bảo hoạt động xuyên suốt hệ thống còn vấn đề, khó kết xuất dữ liệu. Cụ thể, dữ liệu từ Đà Nẵng nhập, nhưng mỗi khi chia sẻ dữ liệu này thì phải qua cơ chế xin cho, văn bản phải mất nhiều ngày, thậm chí 2 tháng mới được phép chia sẻ, sử dụng dữ liệu.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng đề xuất làm sao để việc chỉ đạo triển khai các cơ sở dữ liệu, ứng dụng của các Bộ, ngành có sự thống nhất, đồng bộ với địa phương. Bên cạnh đó, cần đôn đốc việc chia sẻ dữ liệu cho các địa phương để hỗ trợ phân tích, đưa ra chiến lược, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ngoài ra, ra Sở TT&TT Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ TT&TT sớm ban hành chuẩn dữ liệu. “Hiện chúng ta muốn việc kết nối từ địa phương lên Chính phủ, nhưng việc đưa ra chuẩn giao tiếp hiện nay vẫn chưa có. Mong Chính phủ và các Bộ ngành làm việc với địa phương sớm đặc tả dữ liệu cho việc liên kết để việc trao đổi thông tin giữa trung ương với địa phương được thông suốt”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh đề xuất.

Liên quan đến việc triển khai các hệ thông thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương, từ khoảng giữa năm 2013, Bộ TT&TT đã giao Cục Tin hóa (khi đó là Cục Ứng dụng CNTT) chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư quy định về triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin quy mô quốc gia và quy mô ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương. Thông tư này được xây dựng với 3 mục tiêu chính là đảm bảo sự tích hợp, liên thông, sẵn sàng kết nối để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các của các ngành liên quan ở Trung ương và địa phương; đảm bảo sự tích hợp, kết nối giữa các hệ tống thông tin chuyên ngành với các hệ thống thông tin quản lý hành chính tại các địa phương; và hướng tới giảm đầu tư trùng lặp, lãng phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ngày 30/12/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Thông tư 25/2014/TT-BTTTT quy định việc triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương quản lý. Có hiệu lực thi hành từ ngày 13/2/2015, Thông tư 25 quy định rõ, việc triển khai các hệ thống thông tin phải đảm bảo các nguyên tắc: công khai chủ trương, kế hoạch triển khai, nội dung, quy mô, nguồn vốn đầu tư và cơ quan phối hợp triển khai các hệ thống thông tin; phối hợp đồng bộ các nội dung về đầu tư, quy mô và thời gian triển khai giữa các hệ thống thông tin, tránh đầu tư trùng lặp; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định bảo đảm sự tương thích, thông suốt và an toàn trong quá trình chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.