Để thực hiện Đề án “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”, đại diện Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM; đại diện Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC); cố vấn cao cấp Đại học Quốc Gia TPHCM đã tham gia triển lãm ngành công nghiệp vi mạch và phụ trợ (SEMICON Japan) tại Tokyo (Nhật Bản) vào giữa tháng 12 vừa qua, với mục đích khảo sát về chính sách phát triển và nhu cầu thị trường về công nghiệp vi mạch tại Nhật Bản.

Có thể thấy rằng, vi mạch Việt đang gần hơn với thị trường tiềm năng này và phải đến tận nơi để “chào hàng” là cần thiết.

Vi mạch TPHCM tham gia triển lãm SEMICON tại Nhật Bản

Bề dày hợp tác với Nhật Bản

Triển lãm SEMICON có quy mô toàn cầu, là nơi hội tụ tất cả những công ty hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất, thiết kế vi mạch và những lĩnh vực liên quan đến nền công nghiệp bán dẫn. Theo cố vấn cao cấp Đại học Quốc gia TPHCM, GS-TSKH Đặng Lương Mô, SEMICON chính là nơi các công ty gặp nhau trao đổi về những công nghệ tương lai, các nhà khoa học trao đổi những thành tựu trong nghiên cứu lĩnh vực vi mạch và cũng là nơi để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và kinh doanh. Vì vậy, vi mạch TPHCM tham gia sự kiện này là hết sức cần thiết.

Chỉ riêng năm 2015, Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đã có hàng chục sự kiện hợp tác với Nhật, như ký kết hợp đồng thiết kế khối quản lý nguồn trong chíp thu - phát đa băng tần cho Công ty CM Engineering Japan; ký kết hợp tác giữa ICDREC, CNS với Công ty Shoei về triển khai ứng dụng thẻ, đầu đọc RFID; ký kết hợp đồng khảo sát, tư vấn thị trường sản phẩm ứng dụng không dây với hai đối tác CM Engineering Vietnam và Mitsubishi… đã tạo nên bề dày cho vi mạch Việt.

Chính vì thế, tại triển lãm SEMICON, ICDREC (đơn vị thực hiện Đề án “Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”) đã giới thiệu những thành quả nghiên cứu của Việt Nam như chip SG8V1; chip HF RFID; chip ADC 24; chip UHF RFID và những sản phẩm ứng dụng được xây dựng dựa trên nền tảng chip do người Việt Nam thiết kế. Trong sự kiện này, ICDREC cũng có buổi thuyết trình với chủ đề “Tiềm năng của chúng tôi - Cơ hội của bạn” trước những công ty và nhà đầu tư về cơ chế chính sách, môi trường và cơ hội đầu tư lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam.

Thêm cơ hội cho chính mình

Trong những ngày diễn ra triển lãm, đoàn vi mạch TPHCM đã có những buổi làm việc trực tiếp với những nhà đầu tư lớn, những khách hàng tiềm năng như Sony, Renesas, SocioNext, CM Engineering, Jinzai Solution Inc… “Với từng khách hàng cụ thể, đoàn đã trình bày về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngành vi mạch và đặc biệt giới thiệu về Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch tại TPHCM”, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, cho biết.

Tuy đây là lần đầu tiên, những sản phẩm vi mạch còn non trẻ của ta “mang chuông đi đánh xứ người”, đặc biệt là tại Nhật Bản - một đất nước có nền công nghiệp vi mạch lừng lẫy trên thế giới, song qua những buổi làm việc trực tiếp, các công ty của Nhật đều đánh giá cao và tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có khả năng nghiên cứu, thiết kế ra những con chip mang tính cạnh tranh với các hãng lớn khác. Điều này phần nào đã được chứng minh qua sự hợp tác với các công ty Nhật trong năm qua và sẽ nhiều hơn trong năm 2016.

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, Phó ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM, từ việc tham dự triển lãm SEMICON lần này, có thể khẳng định Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã đặt những bước chân đầu tiên vào sân chơi quốc tế của ngành vi mạch. Từ đây cũng thấy rằng, còn rất nhiều điều phía trước cần phải thực hiện và phải đầu tư, nắm bắt nhanh hơn nữa những xu hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới để phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Điều quan trọng nhất, từ đây đã phần nào thể hiện được với nhà đầu tư nước ngoài, mà cụ thể là các nhà đầu tư Nhật Bản, rằng thị trường vi mạch Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng về sản phẩm lẫn nhân lực!.