Tăng quyền, tăng trách nhiệm

Việc liên Bộ Khoa học và Công nghệ - Tài chính tổ chức một cách trang trọng lễ ký kết ban hành Thông tư liên tịch 27 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của văn bản pháp quy này. Cũng bởi quan trọng nên đây là một trong những thông tư được ban hành muộn nhất trong quá trình cụ thể hóa các quy định của Luật Khoa học Công nghệ năm 2013. Thông tư 27 quy định cơ chế mà rất nhiều các nhà khoa học tâm huyết, chân chính đang mong chờ - phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, với vai trò đứng đầu ngành tài chính, ông đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng chính sách mới. Thông tư 27 đề cao hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, từ những người đặt đầu bài, thông qua danh mục đề cương, nội dung, theo dõi, nghiệm thu và đưa đề tài, dự án vào thực tiễn. Cơ quan nhà nước là người đặt hàng và quản đầu ra sản phẩm. Đồng thời, thông tư cũng đề cao trách nhiệm và quyền tự chủ hơn của các tổ chức KHCN, các nhà khoa học trong quá trình nhận đặt hàng các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước.

Từ trước đến nay, có nhiều đề tài dự án sử dụng vốn ngân sách được nghiệm thu xuất sắc nhưng sau đó không có sản phẩm và không được ứng dụng vào thực tiễn. Chưa kể, có một số đề tài dự án mà lợi dụng cơ chế, định mức, sơ hở trong quản lý để không làm thật nhưng vẫn được nghiệm thu. Chúng ta tập trung quản chặt đầu vào, thủ tục hóa đơn nhưng chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng thì ít được quan tâm. Theo tư lệnh ngành KHCN, cơ chế khoán chi tạo thuận lợi nhất cho người làm khoa học, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn cho họ. Có thể, sẽ có nhà khoa học chưa dám nhận phương thức khoán chi theo sản phẩm cuối cùng bởi theo quy định mới, nhà nước kiểm soát đầu ra, phải có sản phẩm đúng như đặt hàng. Nếu không có sản phẩm cuối cùng như hợp đồng đã ký kết thì không thể nghiệm thu được.

Với quy định mới này, quyền lợi tăng, các rào cản thủ tục quyết toán được tháo bỏ nhưng trách nhiệm của các nhà khoa học cũng tăng lên. Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, nhà khoa học được quyền lựa chọn giữa hai hình thức khoán chi. Khi đã lựa chọn phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trong quá trình thực hiện không được điều chỉnh mục tiêu, sản phẩm và tổng kinh phí đã được thỏa thuận. Nếu nhà khoa học không hoàn thành sản phẩm như cam kết thì phải chịu hình thức xử lý là phải hoàn trả ngân sách nhà nước từ 40 - 100% tùy mức độ rủi ro và các nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đây là chế tài nghiêm khắc, đòi hỏi trách nhiệm cao của các nhà khoa học.

Sản phẩm sau nghiên cứu phải được ứng dụng

Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là cơ chế mới được các nhà khoa học Việt Nam trông đợi. Song, so với thế giới, đây là phương thức được áp dụng phổ biến, theo cơ chế thị trường. Với hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhà khoa học phải tự tổ chức, tìm người giỏi, liên kết, nghiên cứu để làm ra được sản phẩm như cam kết. Bộ trưởng Nguyễn Quân nhắn nhủ: “những người làm quản lý trước hết đặt niềm tin vào những người làm khoa học, và sau đó chúng ta có quyền đòi hỏi họ cung cấp cho xã hội những sản phẩm mới. ”

Trước đây, các nhà khoa học chọn đề tài theo ý muốn chủ quan của mình, đôi khi không thiết thực. Với cơ chế đặt hàng, cơ quan thẩm định, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành. Khi đề xuất đặt hàng thì cơ quan đặt hàng phải cam kết chịu trách nhiệm tiếp nhận lại kết quả nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu và tổ chức áp dụng trong thực tiễn. Nghĩa là, địa chỉ đầu ra phải rất rõ ràng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đề xuất, đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển có sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm tiếp nhận kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Có thể thấy, đích đến cuối cùng của Thông tư 27 chính là việc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước khi đầu tư cho khoa học. Đương nhiên, nghiên cứu KHCN chứa đựng nhiều rủi ro, mạo hiểm. Trong KHCN có nhiều lĩnh vực, nghiên cứu cơ bản đi trước, đặt tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng. Ngay cả nghiên cứu ứng dụng thì không phải sản phẩm, kết quả nào cũng có thể được ứng dụng ngay mà còn chờ đợi các nhà đầu tư, cơ hội và thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, loại trừ các đề tài thực sự bỏ ngăn kéo, nghiên cứu không để làm gì, theo ý muốn chủ quan của các nhà khoa học, thì cơ bản các đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước thời gian gần đây đã được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, do đó, khả năng ứng dụng sẽ cao hơn trước đây.