Tiếp theo đà phát triển các năm trước, năm 2015, viễn thông - tin học - CNTT đã vươn lên trở thành lĩnh vực có sự phát triển ấn tượng và có các doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ đã chỉ đạo tốt hoạt động và kiện toàn mô hình tổ chức của các doanh nghiệp thuộc Bộ, tiếp nhận và bàn giao nhiều đơn vị sự nghiệp về các địa phương và cơ quan nhà nước; tập trung thực hiện công tác cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Bên cạnh đó, Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất là các Sở TT&TT, qua đó tích cực triển khai toàn diện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT hiệu quả, thiết thực.

Bưu chính phát triển theo hướng tự động hoá, tin học hóa, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ với chất lượng phục vụ tốt, mọi lúc, mọi nơi.

Trong giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực viễn thông đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40-50%. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, phát triển tài nguyên Internet mới phù hợp với xu hướng hội tụ và phát triển của khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là mạng di động 3G. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện, tên miền và địa chỉ Internet…

CNTT phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu về công nghiệp, dịch vụ và ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước cũng như trong đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Bộ đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh chỉ đạo công tác ứng dụng và phát triển CNTT. Đẩy mạnh tốc độ phát triển, tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước để xây dựng Chính phủ điện tử. Tập trung triển khai các chương trình, dự án về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025….

Lĩnh vực CNTT tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đến hợp tác và đầu tư vào Việt Nam với nhiều dự án hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, Bộ TT&TT cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực.

Cụ thể, hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, chồng chéo về nội dung, đối tượng phục vụ; xu hướng thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng chưa được khắc phục có hiệu quả. Nhiều trang thông tin điện tử sao chép các thông tin trên các báo mà không xin phép, vi phạm quyền sở hữu tác giả. Bên cạnh đó, một số nhà báo vi phạm nghiêm trọng đạo đức hành nghề và Luật Báo chí bị thu hồi Thẻ Nhà báo.

Mô hình tổ chức và chức năng nhiệm vụ trong hệ thống phát thanh, truyền hình trên phạm vi toàn quốc chồng chéo.

Việc quản lý thuê bao di động trả trước còn nhiều khó khăn, tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho nhân dân.

Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tình hình các vụ tấn công diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô lẫn mức độ ảnh hưởng…

Trước thực tế trên, bước sang năm 2016, Bộ TT&TT tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Hiến pháp; các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XII của Đảng và các nội dung liên quan tới bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bộ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Tập trung triển khai thực hiện các đề án lớn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Chương trình hành động Bộ đã ban hành.

Đẩy nhanh công tác xây dựng các chính sách, văn bản quản lý và phát triển thị trường viễn thông bền vững, quản lý dịch vụ trên mạng Internet di động; tăng cường các giải pháp CNTT trong quản lý thuê bao di động trả trước; triển khai quy hoạch và quản lý kho số viễn thông; thúc đẩy cạnh tranh bằng chất lượng, hiệu quả.

Bộ tiếp tục chỉ đạo các nhà mạng viễn thông đảm bảo mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định; ngầm hóa các mạng cáp và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống Internet và tên miền, đặc biệt là các tên miền có liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy ứng dụng IPv6.

Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng.

Tập trung triển khai Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; hoàn thành triển khai giai đoạn 1 tại 5 thành phố lớn. Tổ chức đấu giá băng tần 2.6GHz và chính thức cho phép triển khai công nghệ di động 4G (LTE) theo quy định. Tăng cường công tác phối hợp quản lý tần số tại địa phương.

Triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TT&TT; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Tập trung cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông MobiFone; thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.