Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo): Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 chương, 54 điều, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Đặc biệt, vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng được phân rõ thành các mục như: Bảo vệ thông tin mạng; bảo vệ thông tin cá nhân; bảo vệ hệ thống thông tin; ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng. Trong đó, bảo vệ thông tin mạng đưa ra các quy định rất cụ thể như vấn đề phân loại thông tin; quản lý gửi thông tin; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại; bảo đảm an toàn tài nguyên viễn thông; ứng cứu sự cố an toàn thông tin; ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Thời gian qua, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Để giải quyết điều này, Luật An toàn thông tin mạng đã đưa ra các quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; thu thập và sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.

Để đáp ứng an toàn trong bảo mật hệ thống thông tin, luật quy định về phân loại cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin; nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin; biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin; giám sát an toàn hệ thống thông tin; hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin; trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Nội dung ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; ngăn chặn hoạt động lợi dụng mạng để khủng bố.

Ông Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh: Luật quy định rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thông tin mạng. Để bảo đảm triển khai hiệu quả các quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, ngay sau khi luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật, dự kiến trong năm 2016.

Liên quan đến nội dung phân công "đầu việc" để xây dựng các văn bản dưới luật, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ; Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin. Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về hoạt động ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; Nghị định quy định chi tiết về mật mã dân sự. Còn Bộ Công an sẽ chủ trì, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố.

Luật An toàn thông tin mạng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016.

NGUYỄN VŨ