Đột phá về công tác hộ tịch

Tại Điều 12 Luật Căn cước công dân năm 2014 đã quy định: “Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác”. Điểm c Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014 cũng quy định rõ việc đăng ký khai sinh bao gồm, số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Như vậy, số định danh cá nhân được sử dụng thống nhất trong toàn quốc, cấp cho công dân từ khi sinh ra, thông qua việc đăng ký khai sinh, cấp cho công dân thông qua thẻ căn cước công dân khi đủ 14 tuổi. Số định danh này được sử dụng để lưu trữ, thống nhất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ việc khai thác thông tin về nhân thân về công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Đây là bước đột phá trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện TTHC.

Để triển khai đồng bộ những quy định này, từ ngày 1.1.2016, Bộ Tư pháp sẽ sử dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn 4 thành phố trực thuộc TƯ gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) cho biết, cán bộ hộ tịch tại 4 địa phương trên sẽ truy cập vào hệ thống, nhập dữ liệu, lấy số định danh, in giấy khai sinh, sau khi đã ghi thông tin vào sổ hộ tịch.

Cần sự nhập cuộc của các bộ, ngành

Nếu thực hiện đúng lộ trình, theo tính toán của Bộ Tư pháp, việc cấp số định danh cá nhân sẽ góp phần đơn giản hóa về mặt hành chính, quản lý công dân bằng công nghệ, tạo đột phá trong cải cách tư pháp. Bởi, nếu thủ tục này được triển khai thì sẽ được rút gọn cả tờ khai và chi phí sao chụp, chứng thực. Người dân có thể nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép. Tuy nhiên, để hiện thực được những quy định này, phụ thuộc rất lớn vào sự nhập cuộc của các cơ quan liên quan. Chẳng hạn, khi đăng ký khai sinh cho trẻ mới sinh ra, một số thông tin nhân thân của trẻ sẽ được đẩy sang hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an. Sau khi thực hiện kiểm tra đối soát dữ liệu, hệ thống cấp số định danh sẽ dựa trên các thông tin nhận được để mã hóa, lập số định danh theo cấu trúc quy định và gửi về hệ thống thông tin hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, từ đó cấp giấy khai sinh cho công dân đã bao gồm mã số định danh cá nhân. Như vậy, vấn đề này liên quan đến hệ thống ngành dọc của hai bộ, nếu chỉ một bộ phận chưa thông suốt thì cả quá trình không còn ý nghĩa.

Thực tế, việc kết nối trao đổi thông tin giữa hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và hệ thống cấp số định danh cá nhân còn liên quan chặt chẽ đến cán bộ tư pháp, hộ tịch trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, nhất là khi công dân có những thay đổi như kết hôn, thay đổi cải chính hộ tịch, khai tử… Do đó chỉ một khâu sai, các khâu sau sẽ không chính xác. Trong khi đó có một thực tế là hiện chất lượng cán bộ tư pháp, hộ tịch chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng thông tin ở cơ sở còn yếu, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn chênh lệch khá lớn chính vì vậy việc triển khai chắc chắn không đơn giản. Đây cũng là vấn đề đã được Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp lường trước được trong quá trình chuẩn bị triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh. Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đã có phương án cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa tuy rằng sẽ có độ trễ nhất định. Về kỹ thuật, chúng tôi không thấy vướng và bảo đảm trẻ em sinh ra từ ngày 1.1.2016 khi khai sinh được cấp số định danh”.