Sau khi nhận được yêu cầu từ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc quyết định tăng cường hơn nữa về mặt quy mô cũng như nhịp độ những cuộc tấn công mạng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Lầu Năm Góc cho rằng việc tăng cường những cuộc tấn công mạng chống IS có thể vô hiệu hóa hệ thống máy tính, máy chủ và mạng điện thoại di động của tổ chức này và từ đó có thể hủy hoại chiến dịch tuyển mộ chiến binh cũng như triệt phá sớm những âm mưu tấn công tiềm tàng.

Trong thời gian qua, cộng đồng hacker và chuyên gia mã hóa quân đội thuộc Bộ chỉ huy Không gian Mạng (USCC) ở căn cứ Fort Meada, bang Maryland miền Đông nước Mỹ đã phát triển một loạt mã độc có thể dùng để phá hoại hệ thống tuyên truyền và tuyển mộ tân binh của IS - theo tiết lộ từ vài sĩ quan quân đội Mỹ giấu tên. Tuy nhiên, nỗ lực xóa sổ mạng lưới giao tiếp của IS lại phải đối mặt với sự kháng cự từ phía Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và giới chức lãnh đạo tình báo nước này.

Họ cảnh báo một hành động siết chặt Internet cũng như mạng truyền thông xã hội và điện thoại di động ở Syria và Iraq một cách quyết liệt như thế sẽ vô tình làm khép lại cánh cửa quan trọng để lộ ra các vị trí then chốt, bộ phận chỉ huy và các mưu đồ tiềm ẩn của bọn khủng bố. Hơn nữa, việc đánh sập những chốt giao tiếp trên mạng của IS cũng gây ảnh hưởng đến các tổ chức cứu trợ nhân đạo, các nhóm đối lập được Mỹ bảo trợ trong cuộc nội chiến Syria.

Ngày 9/12/2015, Nghị sĩ Michael McCaul - Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện - cho biết bọn hacker IS "đã phát triển thành công một ứng dụng mã hóa cho phép chúng dễ dàng giao tiếp với nhau ở bất cứ nơi đâu trên thế giới từ điện thoại iPhone mà chúng ta không có khả năng ngăn chặn được…

Thực tế cho thấy bọn chúng đã làm chủ được không gian web đen". USCC đã bắt đầu tấn công những tài khoản mạng xã hội sau khi Tổng thống Barack Obama bật đèn xanh cho chiến dịch không kích tiêu diệt IS hồi tháng 4/2014. Một số quan chức Lầu Năm Góc cho rằng virus máy tính và tấn công kỹ thuật số (như là tấn công từ chối dịch vụ DoS) có thể chặn đứng được hệ thống giao tiếp của IS.

Song giới chuyên gia an ninh cảnh báo hành động như thế có thể gây tác dụng ngược. Đáp lại, bọn khủng bố sẽ gửi thông điệp và video qua thiết bị di động USB, điện thoại vệ tinh hay một số nền tảng khác. Kỹ thuật mã hóa tinh vi mà IS sử dụng rộng rãi càng khiến khó theo dõi chúng hơn - theo Jeff Bardin, cố vấn an ninh máy tính và cựu chuyên gia ngôn ngữ học Không lực Mỹ phụ trách theo dõi các nhóm Hồi giáo cực đoan trên Internet. Ví dụ như sau khi bị Twitter khóa các tài khoản chính thức năm 2014, IS khuyến khích người của chúng chuyển sang các ứng dụng xã hội mã hóa khác như là Telegram hay sử dụng cài đặt cá nhân mạnh hơn để khó bị theo dõi.

Theo Dự án Chống Cực đoan hóa (CEP), bọn cực đoan gửi khoảng 90.000 thông điệp Twitter trong một ngày. CEP là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York với nhiệm vụ theo dõi những thông điệp trực tuyến của chiến binh Hồi giáo cũng như gây sức ép đến các công ty truyền thông xã hội tiến hành xác định và xóa bỏ những tài khoản tuyên truyền của bọn khủng bố. CFP nhận định IS luôn khôn ngoan thay đổi máy tính, điện thoại di động và ứng dụng gửi thông điệp bất cứ khi nào đánh hơi được mối đe dọa theo dõi.

Tháng 8/2015, một cuộc tấn công tên lửa từ máy bay không người lái (drone) gần thành phố Raqqah của Syria đã giết chết Junaid Hussain - hacker cực đoan người Anh trung thành với IS, người đã đưa lên Internet danh tính cùng với ảnh chụp khoảng 1.300 quân nhân và giới chức Mỹ được chọn là mục tiêu tấn công.

Theo giới chức Mỹ, Hussain cũng từng tiếp xúc với một trong 2 tên vũ trang tấn công khủng bố ở Garland, bang Texas hồi tháng 5/2015. Vừa qua, Giám đốc FBI James Comey báo cáo trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về việc một tên đã trao đổi 109 thông điệp "với một tên khủng bố ở hải ngoại" vào buổi sáng tấn công. Trước vô vàn khó khăn trong cuộc chiến trực tuyến, có vẻ như khả năng đối phó của Mỹ đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Theo An Ninh Thế Giới