Cùng với sự phát triển của công nghệ thì mặt trái của nó cũng không hề nhỏ, trong năm qua tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo liên quan tới điện thoại.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thì mặt trái của nó cũng không hề nhỏ, trong năm qua tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều vụ lừa đảo liên quan tới điện thoại.

Không như năm ngoái, khi mà các vụ lừa đảo tập trung chủ yếu vào iPhone, năm nay ghi nhận "trào lưu" này lan rộng sang cả các smartphone khác như smartphone của Samsung và Sony. Một phần do thị trường iPhone đã ít nhiều bão hòa, trở thành một sản phẩm "bình dân" và không còn giữ được "cảm giác thèm muốn" của khách hàng - "con mồi" của những kẻ lừa đảo.

Nhìn chung, các vụ lừa đảo vẫn tập trung đánh vào lòng tham và tâm lý hám lợi của người tiêu dùng. Dưới đây là một số vụ lừa đảo liên quan tới smartphone trong năm qua mà VnReview giới thiệu tới bạn đọc để cảnh giác và phòng ngừa:

1. Đánh tráo 42 điện thoại Sony Xperia Z3 bằng. . . 7 viên gạch

Ngày 14/5, Hoàng Phương Nam, sinh năm 1989, nhân viên một công ty chuyển phát nhanh tại quận Đống Đa, Hà Nội, được phân công vận chuyển lô hàng có 50 chiếc điện thoại Sony Xperia Z3 cho Công ty Hoàng Hà.

Trên đường đi giao hàng Nam đã vận chuyển hàng về nơi trọ của Nam. Tại đây, đối tượng rạch đáy thùng để "rút lõi" 42 chiếc điện thoại của khách hàng cho vào túi nilon cất giấu cẩn thận, sau đó đặt 7 viên gạch vào thùng các tông cùng 8 chiếc điện thoại để hai đầu và dán lại cẩn thận bằng băng dính. Khi cửa hàng mở niêm phong để kiểm tra thì phát hiện và lập biên bản và chuyển cho công an điều tra xử lý.

2. Thủ đoạn lừa biến iPhone thành. . . "cục gạch"

Hồi cuối tháng 7/2015, cộng đồng mạng xôn xao trước câu chuyện từ một cô gái cho biết, iPhone của mình đã trở thành cục gạch khi một đối tượng khác đăng nhập tài khoản iCloud để kích hoạt tính năng Find my iPhone và khóa máy từ xa.

Lời chia sẻ trên Facebook về việc iPhone cho mượn đã bị khóa iCloud.

Theo như mô tả trên Facebook của một bạn trẻ, thì chiếc iPhone 6 Plus của cô đã bị kích hoạt tính năng Find my iPhone và hiển thị dòng nội dung thông báo "iPhone này đã bị mất. Hãy gọi cho tôi" kèm theo một số điện thoại liên lạc. Nguyên nhân được xác định là do cô gái chủ quan, không cài tài khoản iCloud cho điện thoại từ khi mua.

Tại các cửa hàng bán iPhone và iPad có một số đối tượng giả vờ mua máy, sau đó tiến hành thiết lập tài khoản iCloud trên máy rồi lại bỏ đi không mua, sau đó sử dụng iCloud để tiến hành khóa máy này từ xa.

3. Samsung Galaxy A5, A7 bị giả mạo tinh vi

Phân biệt hàng fake của Galaxy A5 (ảnh từ Facebook Nguyễn Tùng Lâm)

Hồi đầu tháng 9/2015, lần theo những topic của các nạn nhân trên trang rao vặt Nhật Tảo, diễn đàn Tinh Tế cũng như Facebook, kịch bản của đối tượng là rao bán mẫu Galaxy A5 "chính hãng" với giá mềm hơn theo tình trạng "máy mới mua về sử dụng được ít ngày thì muốn đổi sang máy khác nên bán rẻ, còn fullbox và đầy đủ hóa đơn/phiếu bảo hành…", kịch bản là "có việc gấp nên giao dịch đâu đó ngoài đường cho tiện", khi kiểm tra qua loa cấu hình và bị mớ hóa đơn/phiếu bảo hành cũng như IMEI kia qua mặt thì ai cũng tin tưởng hoàn tất giao dịch và cầm máy về…

Mẫu hóa đơn giả được in toàn bộ bằng máy, nét in liền và không dùng giấy than

Sau khi bị "dính bẫy" giấy tờ, người mua lại tiếp tục bị đưa vào ma trận giả mạo khi IMEI của máy cũng bị qua mặt, kể cả nhắn tin tới đầu số 6060 (số kiểm tra IMEI chính hãng của Samsung Việt Nam). Bên cạnh đó, một số máy sau khi khởi động lại hoặc reset factory lại thì số IMEI bị thay đổi?!? Hiện phía Samsung và các bên liên quan chưa có động thái gì phản hồi về vấn đề này.

Lừa đăng nhập iCloud, chiếm iPhone

Tiếp đó, vào hồi đầu tháng 10, theo một nạn nhân ở TP. HCM, chị và nhiều người dùng iPhone ham rẻ tin vào những quảng cáo bán ứng dụng chụp ảnh "có giá rẻ hơn trên App Store" và đã phải nếm quả đắng khi bị kẻ gian khoá máy, đòi tiền chuộc.

Thủ đoạn lừa đảo mới nhắm đến sự ham rẻ và cả tin của người dùng iPhone.

Lướt Instagram, nhiều người thấy có quảng cáo mua phần mềm Analog Pack (bán trên App Store với giá 3,99 USD) với giá chỉ 20.000 đồng, thanh toán bằng thẻ điện thoại. Sau khi dụ nạp thẻ thành công, kẻ gian yêu cầu nạn nhân đăng nhập một tài khoản iCloud khác để "kéo app về máy". Làm theo hướng dẫn, sau khi đăng nhập, máy lập tức bị khoá, màn hình iPhone hiển thị dòng chữ "iPhone đã bị mất, liên hệ số điện thoại: 0968527xxx"và màn đòi tiền chuộc bắt đầu diễn ra.

Cần sự chủ động từ phía người dùng

Nhìn lại năm qua, các sự việc "bắt cóc" iPhone đòi tiền chuộc, đánh tráo điện thoại và nộp thẻ kiểu "ông chú Viettel" đều là những trường hợp không hiếm tại Việt Nam. Chưa kể còn rất nhiều vụ việc và thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt smartphone nữa mà VnReview chưa có dịp điểm tới như vụ "người hâm mộ ca sĩ Lý Hải dựng màn kịch lừa mua 5 iPhone 6" hay vụ giả danh công an phường lừa hàng loạt người mua iPhone. Do vậy, người dùng cần cảnh giác với những ứng dụng đến từ bên thứ ba hoặc những "món hời" được rao bán với giá rẻ bất thường.

Tất nhiên không thể chỉ vì những "con sâu làm rầu nồi canh" như vừa nêu trên mà chúng ta chùn bước và đứng ngoài xu hướng thương mại điện tử đang diễn ra mạnh mẽ, ngược lại, bản thân mỗi người đều cần cảnh giác và chủ động tự trang bị các kỹ năng giao dịch, thanh toán. . . để giảm thiểu rủi ro khi thanh toán trực tuyến và giao dịch qua các kênh rao vặt, nhất là trong dịp mua sắm nhộn nhịp vào những ngày Tết sắp tới.

H. T