Sau đấy, người trợ lý của Carnarvon cũng chết đầy bí ẩn. Bố anh ta thì nhảy lầu tự vẫn. Ngay cả George Gould – một người bạn tốt của Carnarvon, người đã từng vào trong hầm mộ của Pharaon trẻ tuổi cũng đột nhiên sốt cao rồi qua đời. Và Reid – nhà khoa học Anh, người đã tiến hành kiểm tra để tìm ra nguyên nhân cái chết của vị vua trẻ cũng bất ngờ ra đi khi vừa quay về London và bắt đầu công việc phân tích, thu thập dữ liệu…

Và còn nhiều những cái chết khác liên quan tới lời nguyền bí ẩn của Pharaon Ai Cập. Trải suốt bao năm, nhân loại vẫn cố kiếm tìm đáp án chính xác và giàu tính thuyết phục nhất cho câu chuyện này. Không ít những tranh cãi, những cuộc thảo luận đã diễn ra, chỉ để nhằm giải mã câu đố hãy còn vẹn nguyên sắc màu kỳ bí trải suốt ngàn đời: “Có hay không sự trừng phạt của Pharaon đối với những kẻ động chạm tới xác ướp, tới hầm mộ”?

Hình ảnh mộ của vua Tutankhamun khi bị khai quật. Ảnh tư liệu

Viên ngọc hình con bọ hung

Dù có nhiều bí ẩn nhưng nhiều người cho rằng, tất cả những điều lạ kỳ đó đều liên quan tới câu chuyện của một vật báu được chôn cùng vị Pharaoh này. Các nhà khảo cổ học cũng xác định rằng, vị vua Tutankhamun được chôn cất cùng với xác ướp là những vật trang sức phong phú, quý giá, trong số này có một viên ngọc màu xanh pha vàng hình con bọ hung dài 2,5cm trên chuỗi ngọc đeo cổ.

Thế nhưng có điều được truyền lại là những ai sở hữu viên ngọc này đều phải hứng chịu lời nguyền đáng sợ của Pharaoh: “Kẻ nào dám quấy rầy giấc ngủ của Pharaoh, đều phải chết!”.

Được biết, sau khi được lấy ra khỏi lăng mộ, con bọ hung bằng ngọc đã bị đánh cắp ngay lập tức. Sau đó, nó được một lính hải quân người Nam Phi đem trở về quê hương. Kể từ đó lời nguyền của vị vua Pharaoh bắt đầu linh ứng, khởi đầu bằng việc người lính này đã chết đuối trong một lần đi biển mặc dù anh ta được xem là một tay bơi lội không tồi.

Viên ngọc được truyền lại cho người con gái và không lâu sau, con gái ông ta cũng qua đời vì bệnh máu trắng. Kinh hoàng trước những tai ương đổ ập xuống gia đình, vợ của người lính hải quân đã bán lại con bọ hung bằng ngọc cho một người phụ nữ Nam Phi khác. Kể từ đó lời nguyền bắt đầu chuyển sang ám người chủ nhân mới này. Con gái của người phụ nữ mua lại viên ngọc hình bọ hung cũng bị chết vì bệnh máu trắng, còn chồng bà thì qua đời bất thường vào đêm trước khi viên ngọc được bán đi.

Cuối cùng, vì quá sợ hãi, người phụ nữ Nam Phi quyết định giao lại con bọ hung bằng ngọc cho chính phủ để tránh lời nguyền đeo bám. Có thông tin còn cho rằng, thời điểm của những lời nguyền trùng hợp xảy ra đối với đoàn khảo cổ học khám phá ra khu mộ của vua Tutankhamun bắt đầu từ khi viên ngọc hình bọ hung bị mất cắp và theo nhiều người viên ngọc bị mất đã phá vỡ đi tính đồng bộ trong ngôi mộ, sự mất cân bằng này là nguyên nhân khiến lời nguyền của vua Tutankhamun trở thành sự thật.

Con bọ hung bằng ngọc của vua Tutankhamun với lời nguyền "Kẻ nào dám quấy rầy giấc ngủ của Pharaoh, đều phải chết!".

Sự bí ẩn liên quan tới ngôi mộ của vua Tutankhamun cùng với viên ngọc hình bọ hung đã thôi thúc các nhà khoa học vào cuộc để giải thích một bí ẩn được xem là vẫn đang thách thức cả nhân loại. Chương trình khoa học National Geographic, đã dẫn lời của nhà Ai Cập học thuộc Bảo tàng ĐH Pennsylvania ở Philadelphia, ông Jennifer Wegner cho rằng, ngoài xác chết, trong hầm mộ của Pharaon Ai Cập còn có cả các loại thực phẩm, gồm thịt, rau và hoa quả.

Những thứ ấy chắc hẳn đã thu hút đám côn trùng, vi khuẩn, mốc và những gì tương tự. Chúng hiện diện trong hầm mộ bị đóng kín hàng nghìn năm và trở thành thứ mầm bệnh độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Việc viên ngọc bị mất được cho là thời điểm khiến cho các lời nguyền linh ứng cũng được lý giải rằng, khi những kho báu được công bố thì việc chúng bị đánh cắp là điều dễ hiểu và cũng từ đây những sự việc trùng lặp đã diễn ra khiến nhiều người cho rằng chúng có mối quan hệ với nhau.

Trên thực tế, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy, một số xác ướp cổ đại có hiện tượng bị mốc. Aspergillus niger và Aspergillus flavus là những loại nấm mốc nguy hiểm được phát hiện. Chúng là “kẻ thù số một” với những người có hệ miễn dịch kém. Thậm chí, Aspergillus niger và Aspergillus flavus còn có thể gây phản ứng dị ứng nhiều cấp độ, từ sung huyết đến chảy máu phổi. Khí ammoniac, formaldehyde và H2S còn được các nhà khoa học phát hiện ra trong quách kín.

Đó là những chất độc có thể làm bỏng mắt mũi, khiến con người xuất hiện các triệu chứng như viêm phổi, thậm chí gây chết người nếu chúng ở nồng độ cao. Ngoài ra, phân của những con dơi trong các hầm mộ đã khai quật cũng chứa những loại nấm độc hại. Chúng có thể là nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp như cúm, hoặc gây chết người trong trường hợp nghiêm trọng.

Cũng có quan điểm cho rằng, trên tường vách của lối xuống hầm mộ tồn tại một lớp những thứ có sắc hồng phấn và màu xanh lục. Rất có thể đó là một lớp ánh sáng gây chết người. Nó sẽ phóng ra những vật chất khiến con người phải bỏ mạng.

Điều đáng lưu ý là Howard Carter – người đầu tiên khám phá ra lăng mộ của vị vua trẻ nhất Ai Cập lại không chịu chung số phận như những người khác. Sau khi hoàn thành công việc khai quật mộ vua Tutankhamun, ông vẫn sống bình an và mất vì bệnh ung thư ở tuổi 65. Ngay bản thân ông cũng không tin vào lời nguyền của Pharaon. Carter nhấn mạnh, cơ bản, truyền thống tôn giáo của người Ai Cập không cho phép sự tồn tại của lời nguyền như vậy, trái lại, họ hy vọng chúng ta sẽ dành cho người đã khuất những lời cầu chúc tốt đẹp.

Chính vì thế việc tồn tại những lời nguyền liên quan tới vua Tuntakhamun hay viên ngọc hình bọ hung chỉ được xem là những câu chuyện tô thêm vẻ huyền bí của quốc gia Ai Cập, nơi được cho rằng đang rất thu hút khách du lịch.