(PCWorldVN) Hiệu năng chưa thực sự cao đã phần nào làm giảm sức hấp dẫn từ thiết kế đẹp, tính tiện dụng, tùy biến và quay video Full HD mà ZenPad 8.0 thể hiện trong quá trình thử nghiệm. Loạt máy tính bảng Asus ZenPad chính thức về Việt NamĐánh giá máy tính bảng Asus ZenPad 7.0 Z370CGMáy tính bảng Asus ZenPad S 8.0 giá khoảng 4,3 triệu đồngSo sánh 3 tablet 7 inch giá rẻ chạy bộ xử lý SoFIAĐánh giá máy tính bảng CINK TAB EX7415 chạy bộ xử lý Intel SoFIA

Hướng đến phân khúc giá thấp, máy tính bảng ZenPad 8 (tên mã sản phẩm đầy đủ là ZenPad 8.0 P024_Z380KL) với màn hình 8 inch của Asus được thiết kế khá đẹp, cách điệu giống như một cuốn sổ tay. Sản phẩm có cấu hình khá với chip Snapdragon 410 của Qualcomm, RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB.

Thiết kế

Có thể nói, về thiết kế thì ZenPad 8 là phiên bản phóng lớn của phiên bản ZenPad 7 với màn hình 7 inch. Mọi đường nét và kiểu dáng của sản phẩm đều giống nhau, từ kiểu cách điệu của một cuốn sổ tay ở mặt sau cho đến phong cách bo tròn các cạnh và vị trí sắp xếp các nút bấm.

Màn hình của máy có viền tương đối dày, nhất là viền trên và dưới, nhưng Test Lab vẫn có thể cầm nắm được với một tay vì ZenPad 8 có thiết kế thon dài với vỏ ngoài bằng nhựa. Hơn nữa, lớp vân giả da ở mặt sau cũng giúp cho ZenPad 8 trở nên chắc chắn hơn khi cầm trên tay vì có độ ma sát cao.

Mặt lưng của máy có thể tháo rời để gắn SIM và thẻ nhớ. Tuy nhiên, pin tích hợp của ZenPad 8 được gắn cố định với lớp vỏ bao bọc chắc chắn bên ngoài nên hơi khó khăn nếu người dùng có nhu cầu thay pin mới.

Tất cả phím bấm chỉnh âm lượng, nút nguồn đều được đặt ở cạnh phải, trong khi đó khe cắm micro-USB và cổng tai nghe 3,5 mm lại được bố trí ở cạnh trên.

Kiểu bố trí này có hai điểm bất tiện khi sử dụng thực tế, thứ nhất là người dùng sẽ khó chịu vì bị vướng dây khi vừa sạc vừa dùng máy; thứ hai là khác với khi sử dụng trên smartphone, phím nguồn trên chiếc máy tính bảng 8 inch này rất dễ bị bấm nhầm (tắt màn hình) khi cầm máy với một tay vì vị trí nút nguồn đặt gần như ở trung tâm của cạnh phải.

Xem thêm ảnh chi tiết thiết kế của ZenPad 8:

Màn hình

Về khả năng hiển thị, máy hỗ trợ độ phân giải 800x1.280 pixel với mật độ điểm ảnh đạt khoảng 189ppi cho chất lượng hiển thị ở mức khá. Mặc dù hình ảnh khá sáng rõ và khả năng hỗ trợ độ sáng tối đa cao, nhưng độ chi tiết chưa cao, điểm ảnh (pixel) khá lớn và dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.

Bù lại, máy có khả năng hỗ trợ cảm ứng 10 điểm chạm và có độ tương phản tương đối cao. Điều này giúp cho người dùng sử dụng máy thoải mái hơn ở ngoài trời sáng với tùy chỉnh tự động cân chỉnh độ sáng tích hợp.

Ngoài ra, Asus cũng tích hợp chức năng cân chỉnh màu sắc cho màn hình (Screen color mode) để người dùng thay đổi nhiệt độ màu (Color temperature) hay chọn nhanh các chế độ hiển thị để phù hợp cho mục đích sử dụng, chẳng hạn như Balance, Bluelight Filter, Vivid hay Customized (thiết lập theo ý thích). Chức năng này giúp gia tăng trải nghiệm của người dùng trên màn hình của ZenPad 8 hơn trong từng hoàn cảnh và mục đích sử dụng.

Camera

Camera vốn không phải là ưu điểm của các dòng máy tính bảng của Asus trước đây. Tuy nhiên, chất lượng ảnh chụp với camera chính 8 megapixel của ZenPad 8 trong điều kiện đủ sáng lại khiến Test Lab bất ngờ.

Chất lượng ảnh ở tùy chọn kích thước mặc định 6M - 3.264x1.836 pixel (kích thước tối đa là 8M - 3.264x2.448 pixel) của máy có độ bão hoà màu đẹp và khá trung thực. Bên cạnh đó, độ nét của hình ảnh cũng khá tốt nếu so với ảnh chụp từ các dòng máy tính bảng Asus trước đây mà Test Lab từng có dịp dùng thử.

Đáng tiếc, ảnh chụp đêm từ ZenPad 8 chưa đẹp. Test Lab cũng nhận thấy, trong một số trường hợp, máy không thể lấy nét ở chế độ chụp cảnh đêm thông thường.

Giống với máy tính bảng ZenPad 7 và các dòng điện thoại ZenFone, giao diện chụp ảnh trên ZenPad 8 với các tính năng được bố trí theo hai nhóm: Nhóm chế độ, chụp và quay phim; Nhóm tinh chỉnh, thiết lập và thay đổi camera.

Máy hỗ trợ chụp ảnh nhanh với nhiều chế độ thiết lập sẵn tối ưu như Tự động, HDR (ảnh có dải tương phản rộng), Beautification (ảnh chân dung đẹp), Low Light (ảnh thiếu sáng), Night (ảnh đêm), Selfie, chụp ảnh động. . . Tiện ích Camera này cũng hỗ trợ chức năng tinh chỉnh mức cân bằng trắng (white balance), độ nhạy sáng (ISO), khẩu độ (Exposure), mức chống rung. . . để có được bức ảnh ưng ý nhất.

Riêng với chức năng quay video thì ZenPad 8 cũng làm khá tốt với mức ghi hình ở độ phân giải Full HD 1080p trong điều kiện đủ sáng. Hình ảnh khá đẹp, mượt mà cùng với âm thanh rõ ràng. Tuy nhiên, kết quả lại khá tệ trong điều kiện ban đêm vì máy không được tích hợp đèn flash.

Hệ điều hành và tính năng

Về hệ điều hành tích hợp và tính năng cài sẵn thì ZenPad 8 không có gì khác biệt so với dòng ZenPad 7. Máy sử dụng hệ điều hành Android 5.0.2 với giao diện tùy biến ZenUI đặc trưng, người dùng có thể thay đổi và tải thêm chủ đề (theme) hay cá nhân hóa giao diện cho phù hợp với sở thích.

Hiệu năng

Khác với đa phần các dòng máy tính bảng trước đây của Asus thường dùng chip Intel, ZenPad 8 Z830KL được trang bị chip SoC Qualcomm MSM8916 Snapdragon 410 với CPU 4 nhân và nhân xử lý đồ hoạ Adreno 306. Ưu điểm của dòng chip SoC giá rẻ của Qualcomm này là được thiết kế dựa trên cấu trúc 28 nm (tương tự như Snapdragon 400) và hỗ trợ mạng LTE.

Có thể khẳng định, hiệu năng thực tế của ZenPad 8 khiến Test Lab có phần "hụt hẫng" mặc dù thử nghiệm viên đã nâng cấp lên bản cập nhật mới nhất mà Asus cung cấp nhưng máy lại khá ì ạch ở hàng loạt tác vụ như tải trang web, khởi động trò chơi, xử lý ảnh, thậm chí khi mở camera.

Thậm chí, máy thường xuyên bị tình trạng đứng trình duyệt và tự thoát khi lướt web thông thường.

Thử nghiệm với các trò chơi trên Play Store thì máy đảm nhận khá tốt các game nhỏ nhẹ nhưng tỏ ra "đuối sức" với các game nặng như Asphalt 8 hay Dead Trigger. Tuy nhiên, những "điểm trừ" nói trên hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với một chiếc tablet tầm trung.

Thử nghiệm với các công cụ benchmark, ZenPad 8 có điểm số cao hơn so với với "người anh em" ZenPad 7 nhưng lại thấp hơn nhiều so với dòng MeMO Pad 7.

Chẳng hạn với phép thử đo hiệu năng tổng thể với PCMark thì ZenPad 7 đạt điểm số 2.382 điểm, trong khi đó ZenPad 8 thì có điểm số 3.039 điểm. Với phép đo hiệu năng xử lý đồ hoạ với 3D Mark thì ZenPad 7 có điểm số 3.037, điểm số của ZenPad 8 lại cao hơn với 4.196 điểm trong khi đó điểm số của MeMO Pad 7 lại cao gấp nhiều lần với 17.602 điểm.

Xem kết quả thử nghiệm chi tiết với các công cụ benchmark: