Đây là một cơ chế tài chính hoàn toàn mới nhằm cởi nút thắt về vốn cho các công trình nghiên cứu khoa học lâu nay. Cơ chế này đã vừa được Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính ký kết sáng 30/12 và có hiệu lực từ 15/02/2016.

Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là thay đổi căn bản về cơ chế tài chính. Nhà khoa học được trao quyền chủ động hoàn toàn trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung vào nghiệm thu chất lượng kết quả cuối cùng.

Cơ chế này sẽ áp dụng với những sản phẩm đã có tên cụ thể, có chỉ tiêu chất lượng rõ ràng, có số lượng quy mô sản phẩm tạo ra và địa chỉ ứng dụng. Tổng dự toán các khoản chi cho sửa chữa, mua sắm tài sản không quá 1 tỷ đồng.

Như vậy, cơ chế kiểm soát chặt đầu ra hạn chế được những đề tài "ảo", có kế hoạch, dự toán đầu vào nhưng không có sản phẩm thực tế.

Không chỉ tạo tính chủ động, cách làm mới còn nâng cao trách nhiệm của các nhà khoa học. Nếu kết quả nghiên cứu không đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt theo đặt hàng, nhà khoa học có thể phải hoàn trả từ 40% đến 100% kinh phí thực hiện đề tài.

Ngoài ra, thông tư mới cho phép thanh, quyết toán các kinh phí thực hiện đề tài khoa học theo thực tế.

Cơ chế mới lần này được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho nghiên cứu khoa học dùng vốn ngân sách. Sắp tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế tài chính khuyến khích phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp.

Theo Phạm Linh - Đức Tiến