Dưới đây là những sự kiện khoa học và công nghệ tiêu biểu của năm 2015 được lựa chọn:

1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu và các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015

Trong năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu năm 2015 vào ngày 12/5 nhằm tôn vinh trí tuệ và năng lực sáng tạo, khuyến khích sự đam mê lao động, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có buổi gặp mặt với 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 nhằm ghi nhận những đóng góp của những nhà khoa học trẻ đối với sự phát triển của nền khoa học - công nghệ nước nhà, khuyến khích các tài năng trẻ tiếp tục phát huy khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn để nâng cao sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống.

2. Việt Nam tăng 19 bậc và đứng thứ 52 thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)

Theo báo cáo về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2015, Việt Nam tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng và đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 3, sau Singapore và Malaysia. Bước tăng bậc ngoạn mục của Việt Nam là thành quả của sự đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ trong năm 2015.

3. Chế tạo, thử nghiệm thành công một số vũ khí mới

Với việc chế tạo và thử nghiệm thành công một số vũ khí mới, năm 2015 đánh dấu một bước phát triển lớn trong năng lực sản xuất vũ khí quốc phòng của Việt Nam. Đây là kết quả sau 2 năm thực hiện Đề án KC. NQ06 và một số nhiệm vụ độc lập cấp Bộ Quốc phòng do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thực hiện. Tất cả những vũ khí mới được sản xuất đều là những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tính năng vượt trội về uy lực, tầm bắn và độ chụm so với các phiên bản trước đó trong khi vẫn có thể sử dụng trên các trang thiết bị hiện tại của quân đội.

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng và Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phụ trách phòng Đạn, Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng trao đổi tại chương trình

4. Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC. 10/11-15 và những thành tựu nổi bật về ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Năm 2015, việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC. 10/11-15 đã tạo nên bước đột phá trong những ca ghép tạng, kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp, các kỹ thuật tạo hình phức tạp, ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán bệnh. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học - công nghệ y tế, Việt Nam đã trở thành nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vắc xin Rota chống tiêu chảy.

5. UNESCO công nhận và bảo trợ hai Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý của Việt Nam

Ngày 10/11/2015, Ủy ban Khoa học Tự nhiên trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã nhất trí đưa hai Trung tâm quốc tế về Toán học, Vật lý theo đề nghị của Việt Nam là Trung tâm dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ. Sự kiện đánh dấu sự công nhận của quốc tế đối với trí tuệ của Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hiệp, chủ nhân hạng mục Nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi của giải thưởng Tạ Quang Bửu trao đổi tại chương trình

6. Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du

Năm 2015, để kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, Hội thảo khoa học với chủ đề "Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại" đã được tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 tham luận từ các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đây là sự kiện lớn của ngành khoa học - xã hội và nhân văn trong năm qua.

7. Ra mắt Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định thành lập vào ngày 5/8/2011. Quỹ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ. Nhiệm vụ của quỹ là tài trợ các dự án nghiên cứu, ươm tạo, phát triển công nghệ mới, tiên tiến của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mới; đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, ứng dụng công nghệ; chuyển giao, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, trọng điểm, sản phẩm quốc gia, giải mã công nghệ. . . Bên cạnh đó, quỹ cũng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khoa học - công nghệ. . .

8. Chuỗi sự kiện hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp khoa học và công nghệ 2015

Trong năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển của thị trường khởi nghiệp với nhiều đề án hoạt động bên cạnh hàng loạt quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Nổi bật trong số đó là những chương trình liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp như: đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam, ngày hội khởi nghiệp và công nghệ Việt Nam 2015, cuộc thi khởi nghiệp Israel, chương trình hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học năm 2015. . .

Tiến sĩ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi tại chương trình

9. Nhiều nhà khoa học trẻ được vinh danh trong và ngoài nước

Đội ngũ các nhà khoa học trẻ Việt Nam ngày càng thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Nhiều nhà khoa học trẻ đã được giao chủ trì những công trình khoa học lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị với hàm lượng công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ Tạ Hải Tùng và bộ giải pháp định vị GPS/GNSS trên tay

Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đã đạt những giải thưởng khoa học - công nghệ danh giá ở nước ngoài, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam.