Tình hình tại Việt Nam

Thuật ngữ đa nền tảng bắt đầu được nhắc nhiều tại các hội thảo báo chí quốc tế vào năm 2010, và thế giới đã tiến rất nhanh trong vấn đề này. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang loay hoay với các khái niệm về đa phương tiện và hội tụ. Tại Đại hội Báo chí Thế giới ở Washington DC hồi tháng 6/2015, các chuyên gia đã khẳng định rằng “hội tụ nay là câu chuyện lạc hậu”. Không phải những khái niệm này giờ đây không cần thiết mà đơn giản đa phương tiện và hội tụ là chuyện đương nhiên, không cần bàn cãi nữa.

Nhưng rất khó để thấy một cơ quan báo chí ở Việt Nam thực sự có chiến lược phát triển đa nền tảng. Đa số các báo in chỉ coi mảng digital như một phần nhỏ, do cấp phòng quản lý và hoạt động tương đối độc lập. Thậm chí vẫn có tình trạng bố trí nhân sự phụ trách online là những người có năng lực kém hơn với suy nghĩ đơn giản rằng website chỉ là phiên bản hỗ trợ cho báo giấy, thuần túy cắt dán nội dung từ báo in. Một số ít tờ báo chú trọng hơn về mảng website và giao cho những lãnh đạo cấp cao phụ trách, nhưng chính những lãnh đạo này cũng than phiền rằng digital chưa hề được coi là trụ cột chính.

Rất khó để thấy một cơ quan báo chí ở Việt Nam thực sự có chiến lược phát triển đa nền tảng. Đa số các báo in chỉ coi mảng digital như một phần nhỏ.

Một số báo có các website, các ứng dụng cho tablet và mobile nhưng nói chung chỉ dừng ở dạng thô sơ, sử dụng nhiều cái vỏ khoác lên một nội dung giống nhau mà thôi. Hình thức truyền tải nội dụng của báo chí Việt Nam vẫn còn khá đơn giản, bao gồm thông tin văn bản gắn kèm với ảnh và video, xu hướng thiết kế tự thay đổi cho thích ứng với màn hình – “responsive design” – vẫn là điều xa lạ với hầu hết website tin tức ở Việt Nam. Cũng cần đánh giá công bằng là một số cơ quan báo chí cũng có khá nhiều sản phẩm trên nhiều nền tảng khác nhau – và cũng là nỗ lực sáng tạo đáng hoan nghênh – nhưng đa phần những sản phẩm đó không được kết nối trong một chiến lược đa nền tảng thực sự.

Các cơ quan báo chí lớn cũng có cách tổ chức không khác với xu hướng chung ở Việt Nam, khi xây dựng riêng một đơn vị phát triển website và hoạt động khá độc lập từ khâu sản xuất nội dung đến phát hành và triển khai các hoạt động thương mại, quảng cáo. Đương nhiên, các đơn vị này có quy mô khá lớn, số lượng nhân sự tương đương một tờ báo trung bình, nhưng nó không phải là cách thức hoạt động đa nền tảng đúng nghĩa khi không tận dụng được nguồn lực chung để xây dựng chiến lược nội dung bền vững đồng thời cho nhiều nền tảng, để vừa đạt hiệu quả thông tin, vừa tiết kiệm được chi phí.

Thông tấn xã Việt Nam có lẽ là một trong những đơn vị báo chí có cơ hội phát triển chiến lược đa nền tảng nhờ cách tổ chức khá đặc thù nhằm phục vụ khách hàng là những cơ quan báo chí trong và ngoài nước, và sau này là cả các đối tượng người dùng đầu cuối thông qua nhiều ấn phẩm in, kênh truyền hình và báo điện tử. TTXVN gồm các đơn vị sản xuất tin nguồn cùng một mạng lưới gần 100 cơ quan thường trú bao phủ mọi tỉnh thành của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới, trải rộng 5 châu lục.

Trong những năm qua, chúng tôi đã triển khai bước chuẩn bị là đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại cho đội ngũ phóng viên trẻ để có thể tác nghiệp đa phương tiện trong mọi hoàn cảnh, bước tiếp theo là nâng cao năng lực cho đội ngũ biên tập viên để có thể xử lý dòng thông tin khổng lồ một cách linh hoạt và năng động, thậm chí biết cách tạo ra những nội dung mới hoặc thậm chí một sản phẩm thông tin mới, đồng thời với việc tổ chức hệ thống điều phối để phân luồng thông tin chảy về các nền tảng khác nhau. Điều quan trọng là mọi hoạt động trong hệ thống đều được phải quản lý thống nhất và việc ra quyết định ở tất cả các cấp độ phải nhanh chóng, kịp thời. Một yếu tố then chốt nữa là phải sáng tạo và đổi mới bởi đây chính là động lực để phát triển.

Khi Internet phát triển và phát triển điện tử trở thành con đường tất yếu của báo chí, giới nghiên cứu đã đưa ra nhiều thuật ngữ để nhấn mạnh sự ưu tiên, ban đầu là web-first (ưu tiên website), sau đó là digital-first để chỉ một chiến lược digital tổng thể. Gần đây do sự phát triển quá mạnh mẽ của điện thoại di động, mobile-first lại trở thành lời kêu gọi đối với các nhà xuất bản tin tức, chưa kể một xu hướng đang nổi lên là social-first – ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội thậm chí trước khi phát tin chính thức.

Chiến lược đa nền tảng (multiplatform) với đòi hỏi thông tin phải xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả, và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin, thực tế lại đang đưa báo chí trở về với nguyên tắc cơ bản nhất của mình: coi độc giả là ưu tiên số 1 (audience-first). Facebook đẩy mạnh mảng kinh doanh báo chí

Theo Lê Quốc Minh