Bước chân vào một quán game không có tiếng la mắng hay phàn nàn của chủ quán nét, không còn bị giục giã việc nạp tiền hay hết giờ chơi, mọi thứ đều là tự phục vụ, tự thanh toán, tự trả tiền, tự trông xe mà không hề có sự xuất hiện của bất kỳ nhân viên quản lý nào. . . chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích này hóa ra đã hiện hữu 7, 8 năm nay ở Việt Nam.

Tại một xóm nhỏ của thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, có một chuỗi cửa hàng game "không có chủ". Toàn bộ hoạt động trong quán hoàn toàn do khách hàng, chính là người chơi tự quản lý. Từ việc xếp xe ra sao, mở máy như thế nào, chơi game bao lâu rồi thanh toán, tự lấy đồ ăn thức uống, cho tới cả việc tắt điện tắt quạt đóng cửa khi hết giờ hoàn toàn do game thủ phụ trách. Không hề có sự xuất hiện quản lý hay nhắc nhở của bất kỳ nhân viên nào, và mọi chuyện tại đây vẫn đều đặn diễn ra như vậy trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, phía sau tất cả vẫn có một người chủ âm thầm theo dõi từ xa thông qua hệ thống camera và máy tính để đảm bảo hệ thống của mình hoạt động ổn định.

Nhiều chủ quán game khác khi biết chuyện đều không tin đây là sự thật, và cho rằng nếu làm như vậy cơ sở kinh doanh sẽ nhanh chóng "nát" trong vài ngày, bởi không thể quản lý được vật tư thiết bị, càng không thể tin tưởng được vào sự "thành thật" của khách hàng.

Chia sẻ với Gamethu. net, anh Tuyền, chủ của chuỗi cửa hàng internet đặc biệt này cho biết đây là mô hình đã được anh áp dụng từ những năm 2008-2009 và không chỉ mở một mà anh có tới vài quán game như vậy trong chuỗi kinh doanh của mình. Mỗi quán game đều có quy mô khá nhỏ, từ 20-30 máy và áp dụng mô hình "tự quản".

"Hoạt động của các quán game chủ yếu dựa vào các game thủ thân thiết, quen thuộc. Những người chơi này có nhiệm vụ giám sát hoạt động, mở đóng cửa quán, gọi điện thoại cho mình nếu có vấn đề xảy ra mà không tự xử lý được như mất điện, mất mạng, vấn đề kỹ thuật. . . Quán mở trong xóm nhỏ nên cũng ít có khách lạ tới chơi, thậm chí những thành phần 'nguy hiểm' sẽ nhanh chóng bị phát hiện và cấm bước chân vào quán", anh Tuyền cho hay.

Riêng về vấn đề tiền nong, chủ quán game này cho biết mình hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ "cộng tác viên thường xuyên", cũng như sự tự giác của các game thủ tới chơi. Bởi nếu có chuyện gian dối, anh sẽ. . . tới tận nhà game thủ để nói chuyện phải trái với phụ huynh. Những game thủ thay anh giám sát quán cũng vui vẻ kiêm thêm việc quản lý chuyện ăn uống, dọn dẹp, theo dõi những game thủ có trả tiền đúng với hóa đơn không. Đây đều là những người được anh theo dõi và lựa chọn, tin tưởng giao nhờ trọng trách từ những ngày đầu. Bù lại, đây cũng là những khách hàng ruột sẽ nhận được các ưu đãi về giờ chơi, khuyến mại thường xuyên.

Chỉ ngồi nhà theo dõi và quản lý qua camera, hệ thống máy tính, rất ít khi xuống tận nơi mà chỉ để lại số điện thoại liên lạc tại các cơ sở, anh Tuyền hiện đang khá "thảnh thơi" với việc kinh doanh của mình. Anh khẳng định trong nhiều năm qua, tình trạng gian lận, thiếu tiền gần như không xảy ra. Một số xích mích hay khúc mắc nhỏ giữa các game thủ cũng được anh khéo léo xuống tận nơi xử lý.

"Mô hình này chỉ áp dụng ở quy mô xóm nhỏ thôi, chứ không làm cho các quán game lớn được", anh Tuyền chia sẻ khi biết nhiều chủ quán game muốn thử nghiệm theo cách quản lý khác biệt của mình.