Chính vì vậy, NHNN rất coi trọng và đẩy mạnh việc “đặt hàng” nhiệm vụ KHCN. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động ngành NH, Hội đồng KHCN ngành NH đã xác định các chủ đề lớn và đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể. Trên cơ sở đó, hàng năm Hội đồng xác định nhiệm vụ sẽ xem xét các đề xuất từ các đơn vị, đối chiếu và lựa chọn các nhiệm vụ, xác định rõ mục tiêu và các yêu cầu cần đạt tới của mỗi đề tài để đặt hàng hoặc giao trực tiếp cho các tổ chức/cá nhân có đủ năng lực thực hiện.

Nhờ sự đổi mới đó, nhiều kết quả nghiên cứu đã bám sát các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn hoạt động của Ngành. Việc thực hiện theo cách thức này đã giảm thiểu các nghiên cứu trùng lắp, không cào bằng, đồng loạt cho mọi đề tài về thời gian, kinh phí như trước đây, tránh tình trạng dàn trải, rập khuôn, đồng thời nhanh chóng triển khai nghiên cứu ngay những vấn đề nổi lên của Ngành, kịp thời cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn hỗ trợ cho ngành trong việc hoạch định và ban hành chính sách.

“Trước đây, phải mất từ 10 ngày đến 2 tuần mới có được những số liệu cập nhật, thì bây giờ nhờ công nghệ thông tin nên hầu hết các số liệu đều có thể có ngay trong ngày. Về lãi suất, tỷ giá, giao dịch thị trường… hàng ngày trên bàn Thống đốc đều có những số liệu, chỉ tiêu tiền tệ quan trọng này. Nó đã giúp và phục vụ hữu hiệu cho Thống đốc và Ban lãnh đạo của NHNN có thể đưa ra các chỉ đạo điều hành sát với thị trường nhất”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Thực tế, các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ NH trong lĩnh vực hoạt động của ngành NH trong giai đoạn vừa qua luôn được chú trọng và ưu tiên. Một số kết quả nghiên cứu đã áp dụng trong việc cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của NHNN, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả trong việc thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) quốc gia, năng lực thanh tra giám sát, đảm nhận ngày càng tốt hơn vai trò trung tâm thanh toán của nền kinh tế.

Việc thanh toán nói là khá đơn giản nhưng cách đây 5-10 năm, để thực hiện 1 lệnh thì thời gian chờ đợi mất từ 3-5 ngày và cũng rất rủi ro. Nhưng hiện nay, hệ thống thanh toán của ngành NH, bao gồm hệ thống thanh toán quốc gia do NHNN vận hành và các hệ thống thanh toán nội bộ của các TCTD đã tạo ra một kênh thanh toán rộng khắp và các lệnh thanh toán chỉ mất một vài giây. Riêng hệ thống thanh toán điện tử liên NH thì một ngày chúng tôi đang thực hiện xử lý khoảng 150 nghìn tỷ/ngày.

“Ví dụ cụ thể này cho thấy, đã có sự thay đổi lớn trong việc áp dụng công nghệ thông tin và đáp ứng các dịch vụ của ngành NH cho toàn xã hội”, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học NH (NHNN) chia sẻ.

Đánh giá cao vai trò của KHCN, các công nghệ mới trong lĩnh vực NH như công nghệ thanh toán điện tử; áp dụng công nghệ tin học trong công tác báo cáo thống kê, phân tích kinh tế, giám sát NH… thường xuyên được NHNN quan tâm áp dụng.

Hiện nay, NHNN đang tích cực triển khai dự án FSMIMS - dự án hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa NH giúp cải thiện kết quả thực hiện các chức năng chính của mình theo tiêu chuẩn quốc tế trong ngành NH. Dự án này hỗ trợ NHNN, Trung tâm Thông tin Tín dụng và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam xây dựng hệ thống thông tin quản lý trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại…

Mở rộng quan hệ hợp tác

Không chỉ “bó gọn” trong nội ngành, hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN giai đoạn vừa qua cũng được đẩy mạnh, bước đầu đã tạo lập được một số mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, hướng đến các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường kiến thức cho cán bộ công chức, viên chức ngành NH, đẩy mạnh công tác nghiên cứu KHCN của Ngành.

NHNN đã tiếp nhận được một số chương trình hỗ trợ kỹ thuật về KHCN, đã tiến hành một số cuộc khảo sát, chương trình đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước để cán bộ NHNN được học hỏi, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm của thế giới trong lĩnh vực tài chính NH, tìm hiểu về hoạt động KHCN của NHTW và các NHTM, về mô hình quản lý, khuôn khổ pháp lý, mối quan hệ giữa công tác nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo để phục vụ công tác quản lý hoạt động NH trong tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.

Hoạt động hợp tác quốc tế tại các NHTM và 2 trường đại học cũng diễn ra mạnh mẽ, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý là việc BIDV đã ký kết hợp tác với Viện Nghiên cứu cao cấp về toán do Giáo sư Ngô Bảo Châu làm Viện trưởng, dự kiến sẽ tổ chức các buổi hội thảo tọa đàm về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, đồng thời sẽ hợp tác để nghiên cứu ứng dụng toán trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, NH.

Hai trường đại học đã ký kết một số thoả thuận trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các trường đại học quốc tế, từng bước thiết lập và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng phát triển.

Như vậy, có thể nói giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn có nhiều khởi sắc trong hoạt động KHCN ngành NH so với giai đoạn trước do NHNN đã quán triệt và triển khai quyết liệt chỉ đạo của Đảng và Chính phủ trong việc đẩy mạnh KHCN, đã huy động các nguồn lực để củng cố tổ chức quản lý khoa học và các đơn vị nghiên cứu trong Ngành, bước đầu khắc phục được một số hạn chế, tồn tại.

Phương thức xây dựng Danh mục nhiệm vụ được đổi mới; công tác đặt hàng nghiên cứu được tăng cường; các vấn đề nghiên cứu hàng năm đảm bảo được tính liên kết, thống nhất, tạo dựng được nền tảng lý luận tốt. Chất lượng nghiên cứu đã từng bước được nâng lên, số lượng bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế, các tham luận tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế tăng hơn so với giai đoạn trước.

Công tác quản lý đã được cải thiện rõ nét, quy trình quản lý chặt chẽ được thực hiện theo quy chế quản lý khoa học của ngành giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Công tác phổ biến kết quả nghiên cứu được đa dạng hóa và đến được các đối tượng quan tâm trong và ngoài Ngành. Từng bước huy động được lực lượng khoa học trong và ngoài ngành tham gia nghiên cứu…

“Dù đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng trước mắt, để KHCN thực sự phát huy tối đa hiệu năng thì bản thân hệ thống NH và từng TCTD trong hệ thống vẫn cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cấp và đầu tư cho công nghệ”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận và đánh giá: “Việc ứng dụng KHCN vào hoạt động NH sẽ là nhân tố quan trọng để hệ thống NH Việt Nam nhanh chóng hiện đại hóa, chuẩn hoá và chuyên nghiệp”.