QĐND - Thời gian gần đây, người tiêu dùng đã tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ vận tải sử dụng phần mềm Uber hay GrabTaxi. Đây là dịch vụ cho phép người dùng có thể kết nối trực tiếp với lái xe thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Sự xuất hiện của Uber, GrabTaxi đã mang đến thêm lựa chọn cho hành khách nhưng để thật sự bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong kinh doanh vận tải, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho dịch vụ này.

Cạnh tranh bằng chính sách giá cước

Sau vài lần sử dụng GrabTaxi, chị Đặng Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) đánh giá khá tích cực đối với dịch vụ này. “Lần đầu tôi biết đến GrabTaxi qua lời giới thiệu của bạn bè. Tôi tải ứng dụng về điện thoại, chọn điểm đón và điểm đến theo hành trình. Tôi biết được ngay số tiền mình phải trả cho hành trình để ước lượng. Điều an tâm là không sợ cảnh “tắc-xi dù”, “chặt chém” giá cước”, chị Hà chia sẻ. Một trong những lý do quan trọng nhất khiến chị Hà cũng như nhiều người dùng Uber hay GrabTaxi tiếp tục lựa chọn dịch vụ này là giá cước khá rẻ. “Grab thường có mã giảm giá, khi nhập mã, khách được giảm trực tiếp vào giá cước, thường giảm từ 10.000 đến 40.000 đồng/chuyến. Có những chặng, khách hàng không phải trả tiền vì cước đi hết 30.000 đồng mà mã giảm giá là 40.000 đồng”, chị Hà cho biết. Tính trung bình, giá cước của Uber hay GrabTaxi chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/km.

“Đánh” vào giá cước là điểm mấu chốt để những dịch vụ mới có thể giành thị phần từ tắc-xi truyền thống. Cước tắc-xi ở Việt Nam đang ở mức hơn 10.000 đồng/km, được đánh giá là khá cao so với một số nước trong khu vực. Chính vì vậy, khi Uber, GrabTaxi xuất hiện đã làm dấy lên cuộc tranh cãi nảy lửa cũng như nhiều ý kiến phản đối từ các hiệp hội vận tải cũng như hãng tắc-xi. Tại cuộc hội thảo mới đây do Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội tổ chức, ông Trần Đức Trí, đại diện Hãng tắc-xi Thanh Nga cho hay, với giá cước 6.000 đồng/km mà GrabTaxi áp dụng thì không một hãng tắc-xi truyền thống nào có thể chạy được cho dù đã áp dụng công nghệ. Bên cạnh đó, những ý kiến phản đối Uber, GrabTaxi còn đưa ra nhiều lý do khác như hoạt động của các phương tiện cung cấp dịch vụ này đang làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông, rối loạn thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, thực chất việc kinh doanh dịch vụ tắc-xi sử dụng phần mềm GrabTaxi và Uber không tạo ra thị trường mới, mà giành thị phần từ thị trường hiện có của hãng tắc-xi truyền thống. Điều này khiến cho các hãng tắc-xi truyền thống gặp khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản, đẩy lái xe tắc-xi đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Thí điểm để tạo cơ sở đánh giá, quản lý

Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối, thậm chí đề xuất cấm hoạt động của Uber, GrabTaxi nhưng xe chạy dịch vụ có sử dụng phần mềm này vẫn gia tăng không ngừng. Thực tế, Uber, GrabTaxi đã đáp ứng được nhu cầu của người dân về dịch vụ giá rẻ, chất lượng được đánh giá tốt. Trước những lo ngại về việc xuất hiện xe tắc-xi "trá hình”, đại diện GrabTaxi khẳng định, xe sử dụng phần mềm kết nối GrabTaxi là xe hợp đồng loại dưới 9 chỗ ngồi, được lắp thiết bị giám sát hành trình, cấp phù hiệu theo quy định, không phải tắc-xi. Bên cạnh đó, GrabTaxi không gây ùn tắc giao thông bởi không làm tăng số xe lưu thông trên đường. Ứng dụng này còn giúp giảm ùn tắc nhờ giảm thời gian chạy xe không có khách, tối ưu hóa cung đường di chuyển…

Việc xuất hiện nhân tố mới trên thị trường chính là phản ánh xu thế phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Ngăn cấm hay hạn chế hoạt động của những nhân tố mới sẽ không tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, có thể dẫn đến hiện tượng “lách luật”, hoạt động “chui”. Vì vậy, sau khi nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ để xin thí điểm thực hiện Đề án “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam. Mục tiêu của đề án nhằm đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nền nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật; tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai. Đồng thời, cũng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh. Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý triển khai thực hiện đề án thí điểm. Địa bàn thực hiện là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, trong thời gian từ năm 2015 đến tháng 12-2018. Kết quả thực hiện đề án này sẽ là cơ sở để Bộ GTVT cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá và đề xuất các giải pháp hoàn chỉnh chính sách về vận tải hành khách bằng xe ô tô.