Chiếc xe trong bài thuộc phiên bản Heritage Edition (phiên bản Di Sản), là 1 trong 3 phiên bản cuối cùng của dòng Defender, bên cạnh bản Adventure và Autobiography. Land Rover công bố là họ sẽ dừng sản xuất dòng xe off-road huyền thoại của mình là Defender vào tháng 12 năm nay. 3 Phiên bản đặc biệt được Land Rover giới thiệu nhằm kỷ niệm lịch sử 67 năm phát triển, hay cũng chính là dấu mốc chính thức chia tay dòng xe này.

​Defender Heritage Edition lấy cảm hứng từ chiếc xe The Series I, mẫu xe đầu tiên của Land Rover, nên sở hữu nhiều nét thuần túy nhất và cũng nổi bật nhất trong 3 phiên bản kể trên. Dòng chữ "HUE 166" bên trái thân xe chính là biển số của chiếc The Series I đầu tiên ra đời vào năm 1948. Thật ra The Series I là tiền thân của Defender, tức là Defender được phát triển dựa trên cơ sở là mẫu The Series I. Nhưng mãi đến năm 1983 thì Defender mới được sản xuất đại trà.

Bên cạnh dòng chữ "HUE 166", Defender Heritage Edition còn có nước sơn xanh lá gọi là Grasmere và lưới tản nhiệt kiểu ô vuông mô phỏng theo chiếc The Series I đầu tiên. Sở dĩ chiếc The Series I đầu tiên có màu xanh lá kiểu quân đội là bởi vì nó được tạo ra để phục vụ cho quân đội chứ không phải phục vụ cho việc sản xuất thương mại. Ý tưởng hình thành nên chiếc Land Rover đầu tiên là tạo nên một chiếc xe "Jeep" của Anh, tạo đối trọng với những chiếc xe Jeep Mỹ xuất hiện khắp nơi ở châu Âu lúc bấy giờ.

Lưới tản nhiệt kiểu ô vuông trên phiên bản Defender Di Sản tạo nét vừa cổ điển, vừa bảo thủ đậm chất Anh Quốc cho chiếc xe và cũng là nét phân biệt với những bản Defender khác có lưới tản nhiệt kiểu thanh ngang. Điều làm mình bất ngờ nhất là chiếc lưới tản nhiệt này được làm bằng nhựa, mặc dù nhìn từ xa nó giống như được làm từ kim loại hơn. Nhiều bạn sẽ còn bất ngờ nữa khi biết chiếc xe vẫn sử dụng các bóng đèn halogen và đi mâm sắt sơn cùng màu với thân xe có giá dự kiến trên dưới 2 tỉ. Cũng không có gì khó hiểu khi giá trị của chiếc "thùng tôn di động" đến từ Anh nằm 2 chữ "Di Sản".

Chiếc xe trong bài là bản trục cơ sở 110 inch (2,8 m), thường gọi là Defender 110, và có kiểu thân xe station wagon 7 chỗ ngồi. Vì là 1 chiếc xe thuần chất off-road nên Defender 110 bản Heritage Edition sở hữu khoảng sáng gầm 250 mm và khả năng lội nước lên đến 0,5 m. Ngoài ra, góc tiếp cận của chiếc xe này là 48,7 độ, góc thoát 35,6 độ, và góc vượt đỉnh là 149,7 độ.

Phần đuôi xe có bánh sơ cua đặt trên cửa đúng tinh thần việt dã và cửa sau mở theo phương ngang.

Hệ thống đèn sau không thể đơn giản hơn. Logo Land Rover của bản Defender Di Sản có thêm thông tin năm bắt đầu phát triển 1948, năm ngừng sản xuất 2015 và Solihull là nơi đặt nhà máy lắp ráp Defender.

Chiếc xe có 3 cửa sổ trời, 1 cửa sổ trời ở hàng ghế trước và 2 cửa sổ trời bên trên của hàng ghế thứ 2. Nói vui thì đây là cửa sổ trời bán toàn cảnh.

Cửa sổ trời ở hàng ghế trước mở bằng cơm.

Các ghế trên xe là sự phối hợp của 2 vật liệu da và nỉ. Các vị trí ngồi đều tận hưởng không gian trên đầu dư dả.

Các ghế ngồi cũng được gắn mác HUE 166 để dễ dàng nhận biết đây là phiên bản Di Sản.

Cửa sổ ở hàng ghế thứ 2 vẫn điểu chỉnh lên xuống bằng cách quay tay. Nhưng 2 cửa sổ hàng ghế đầu thì có chỉnh điện.

Ghế trước cũng chỉnh cơm luôn.

Chía khóa vẫn là loại chìa cơ nhưng có tính năng đóng/mở khóa từ xa.

Các trang bị trong nội thất cũng đều rất cơ bản.

Bảng đồng hồ tốc độ nền đen chữ trắng là 1 trong những chi tiết có thể gọi là hiện đại trên chiếc xe.

Bên cạnh dàn đầu giải trí CD của Alpine có kết nối USB và Aux In.

Defender nổi tiếng với cấu hình dẫn động 4 bánh toàn thời gian và được trang bị 1 hộp số phụ cho bộ gài cầu. Hộp số phụ này giúp phân chia sức mạnh chiếc xe ra 2 dải tốc độ thấp và cao. Ngoài ra, Defender cũng có khóa vi sai trung tâm.

Defender Heritage Edition sử dụng động cơ dầu diesel 2,2 lít 4 xy lanh thẳng hàng, cho công suất tối đa 120 mã lực và mô men xoắn cực đại 360 Nm. Sức mạnh truyền qua hộp số sàn 6 cấp giúp chiếc xe này tăng tốc từ 0-100 km/h trong 17 giây, đạt tốc độ tốc đa 145 km/h và khả năng leo dốc 45 độ.

Hình ảnh Land Rover Defender Heritage Edition