Trước áp lực giao thông quá tải tại nhiều đô thị, Chính phủ đã cho phép các TP lớn được tự lập phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông công cộng.

Sáng 29-12, trả lời kiến nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về lộ trình hạn chế xe cá nhân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định Chính phủ đã phân quyền cho địa phương. Vì vậy, TP Hà Nội và TP HCM chủ động lập phương án hạn chế xe cá nhân, Bộ GTVT sẽ phối hợp thực hiện.

Áp dụng từ năm 2020

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết khi cho ý kiến về đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải cho các TP lớn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao các địa phương lập đề án. Theo đó, Hà Nội và TP HCM cần xây dựng đề án để trình HĐND địa phương. Thời điểm hạn chế phương tiện cá nhân sẽ từ năm 2020.

Xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu ở TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều

Thực tế, áp lực do gia tăng phương tiện giao thông đã “nóng” từ nhiều năm qua. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng bình quân mỗi tháng, Hà Nội có số đăng ký mới với xe máy là 18.000-22.000 chiếc, ô tô là 6.000-8.000 xe.

Với tốc độ này, chưa tính đến yếu tố giảm thuế cho ô tô vào năm 2018 thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô (chưa tính phương tiện của lực lượng vũ trang và các địa phương đến Hà Nội) và 7 triệu xe máy. Đó là lý do Hà Nội đề xuất lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Trước đó, cuối năm 2013, Bộ GTVT đã xây dựng đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở các TP lớn theo hướng đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, từng khu vực, từng thời điểm. Mục tiêu của đề án là vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội và TP HCM phải đảm nhận từ 20%-25%; vận tải cá nhân chiếm 75%-80%.

Các TP lớn khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải hành khách công cộng đảm nhận từ 10%-15%; vận tải cá nhân chiếm 85%-90%. Đề án cũng nêu việc bảo đảm quỹ đất dành cho giao thông đô thị, trong đó có tỉ lệ hợp lý cho giao thông tĩnh từ 5%-7%, đất dành cho người đi bộ ở mức hợp lý là 2%.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Một trong những mục tiêu để phát triển giao thông đô thị bền vững được Bộ GTVT chú trọng là đến năm 2020, phát triển hợp lý hệ thống vận tải công cộng. Đối với các TP lớn, cần phát triển mạnh hệ thống xe buýt, nhanh chóng đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, góp phần kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân; kiềm chế tai nạn, cải thiện an toàn giao thông đô thị và vùng phụ cận; giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Cũng theo đề án, đến năm 2020, tại Hà Nội, đường sắt đô thị đáp ứng từ 2%-3% và TP HCM là 4%-5% nhu cầu đi lại. Mục tiêu đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị khoảng 17%; tại TP HCM, hành khách công cộng đáp ứng khoảng 35%, trong đó đường sắt đô thị khoảng 18%.

Bộ GTVT cũng đề nghị nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng với chi phí phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xe buýt nhanh trong các đô thị từ loại 1 trở lên; phát triển phương tiện vận tải công cộng sức chứa nhỏ và taxi để gom khách cho xe buýt và đường sắt đô thị.