Vận tải công cộng phải đi trước

Trao đổi với BizLIVE về thông tin Hà Nội, TP. HCM được hạn chế xe cá nhân, ông Thân Văn Thanh cho biết, muốn hạn chế phương tiện cá nhân có 4 vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, phương tiện vận tải công cộng phải phát triển trước một bước để người dân có phương tiện đi lại vì nhu cầu đi lại là nhu cầu bức thiết của người dân và phương tiện giao thông vận tải phải phát triển đáp ứng nhu cầu.

"Đây là 2 việc làm song song nhưng phát triển vận tải công cộng phải đi trước một bước. Chúng ta nhiều lần nói hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng nhưng không thành công vì hạn chế người dân đi lại bằng gì?", ông Thanh đặt câu hỏi.

Thứ hai, theo ông Thân, công tác tổ chức giao thông đô thị chưa hợp lý khiến tình trạng ùn tắc giao thông tăng cao nên vấn đề cần nghiên cứu tổ chức giao thông đô thị không thể nói nhiều xe là ùn tắc vì các nước thế giới cũng nhiều xe như vậy nhưng vấn đề họ tổ chức giao thông hợp lý.

Thứ ba, phải khắc phục ngay khiếm khuyết hạ tầng kịp thời. Ví dụ trường hợp cống sập hay đường hỏng không thể để tình trạng đến 5-7 ngày mới khắc phục, quây lại thành lô cốt cản trở giao thông.

Thứ tư, công tác xử lý vi phạm phải nghiêm khắc và công bằng. "Đi sai làn đường hay vượt đèn đỏ phải xử nghiêm và công bằng với mọi công dân. Hay xe ba bánh đi vào giờ cao điểm không cấm nhưng lại cấm xe buýt đi một số tuyến đường nhu cầu cao như Cầu Giấy (Xuân Thuỷ)", ông Thanh dẫn chứng.

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam

Cũng theo ông Thanh, không thể nhăm nhăm cấm đăng ký, tăng phí đăng ký, đã từng quy định một người đăng ký một xe nhưng không thành công vì không đăng ký tại Hà Nội người dân đăng ký ở Bắc Ninh. Tương tự, tăng phí vào nội thành cũng không thành công vì không thực tế.

Hà Nội, TP. HCM được hạn chế xe cá nhân

Báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong năm 2015 cả nước có 314.000 xe ô tô và gần 3 triệu xe mô tô được đăng ký mới. Riêng tại Hà Nội, theo số liệu được Chủ tịch UBND Hà Nội cung cấp, hàng tháng trên địa bàn có 18.000-20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ô tô đăng ký mới.

Với tốc độ như vậy, trong hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương diễn ra ngày 28/12 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội đưa ra dự báo đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng hơn 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Theo đó xin phép đề xuất hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Báo cáo của Phòng cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) trước đó cũng cho thấy số lượng phương tiện cá nhân đã tăng rất mạnh, 8 tháng năm 2015 Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ôtô, 143.000 môtô), nâng tổng số xe tại Hà Nội lên 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn hoạt động.

Trước đề xuất của lãnh đạo UBND Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã phân quyền cho địa phương lập đề án trình Hội đồng nhân dân do đặc thù từng nơi khác nhau.

"Khi cho ý kiến với đề án phát triển hợp lý các địa phương thức vận tải cho các thành phố lớn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao các địa phương lập đề án trình hội đồng nhân dân do đặc thù từng địa phương khác nhau", Bộ trưởng Thăng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013, Bộ đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện bằng các cách như hạn chế từng tuyến đường, loại phương tiện và thời gian nhất định.

"Hà Nội và TP. HCM chủ động lập phương án, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp thực hiện", Bộ trưởng Thăng cho biết thêm.