Từ ngày 1-1-2016, 10 đạo luật mới có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Kiểm toán; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, nhiều văn bản dưới luật điều chỉnh các lĩnh vực dân sinh khác cũng bắt đầu được thực thi, dự kiến sẽ có tác động sâu rộng đến toàn xã hội.

Vợ sinh con, chồng được nghỉ

Theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch

Theo Luật Hộ tịch, trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch đã được đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết. Các phương thức nộp hồ sơ bao gồm nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép; thời hạn giải quyết giảm trong hầu hết các trường hợp. Đặc biệt, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình (tại nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống).

Thời bình, gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự, độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi (kéo dài thêm 2 năm so với hiện nay là đến hết 25 tuổi) đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng. Thời điểm gọi công dân nhập ngũ được ấn định vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm.

Chấm dứt thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND, đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ ngày 1-1-2016.

Hướng dẫn mới về tiền lương

Theo Thông tư 47 của Bộ LĐTB-XH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-1-2016, tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương là tiền lương theo hợp đồng lao động. Tiền lương trả cho một ngày làm việc xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (số ngày làm việc bình thường trong tháng không quá 26 ngày). Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.

Lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe

Theo Thông tư 58 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, từ ngày 1-1-2016 giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình, cụ thể là giấy phép lái xe ô tô và giấy phép lái xe hạng A4: trước ngày 31-12- 2016; giấy phép lái xe không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) trước ngày 31-12-2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi trên, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.