Chỉ là giải pháp tình thế

Tại Hà Nội tính từ năm 2007 đến nay, đã có khoảng 50 cầu bộ hành được xây dựng tại các nút giao thông trọng điểm nhằm phòng, tránh tai nạn giao thông, tránh ùn tắc vào giờ cao điểm với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo nhận xét của nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trước đây khi chưa có những chiếc cầu vượt, nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội diễn ra thường xuyên, kể cả không phải giờ cao điểm. Nhưng từ khi xây dựng các cầu vượt, tình trạng ùn tắc đã được cải thiện đáng kể, người dân có thêm phần đường rộng hơn (đường trên cao) khi tham gia giao thông; giảm được sự ùn tắc tại các điểm đen, nút cổ chai; tạo diện mạo đô thị hiện đại và quy mô hơn…

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xây dựng lại cho rằng: chính sự hiện hữu của các cây cầu này vô hình trung đã phá vỡ hình thái không gian cảnh quan xung quanh. Cụ thể, đặc điểm đường giao thông trong khu vực nội đô là độ rộng mặt đường không lớn, vỉa hè nhỏ hẹp, các công trình kiến trúc hai bên đường phần lớn thấp tầng, hình khối và diện tích nhỏ, thiếu các khoảng không gian cách ly. Mặt khác, kiến trúc cầu vượt trong đô thị mới chỉ thuần túy giải quyết bài toán giao thông, kết cấu thông dụng vẫn là kết cấu bê tông cốt thép, màu sắc, vật liệu quá đơn giản khiến người tham gia giao thông có cảm nhận nút giao thông cầu vượt giống như một công trường xây dựng dở dang, vô tình biến không gian đường phố trở nên bị dồn ép, gây cảm giác chật chội, bí bách… Thiết kế cầu mới chỉ nghĩ tới xây dựng một con đường, một công trình giao thông chứ chưa tính đến không gian. Không gian phía dưới gầm cầu vượt phần lớn bị bỏ quên, chủ yếu tận dụng làm bãi đỗ xe, tập kết máy móc và các nguyên vật liệu xây dựng. Mặt khác, việc quản lý không gian cầu vượt cũng không chặt chẽ dẫn đến môi trường xung quanh mất vệ sinh, ẩm thấp… đã và đang biến các gầm cầu vượt trở thành điểm đen trong không gian cảnh quan đô thị. Đơn cử, cầu vượt gần cổng bệnh viện Bạch Mai, cầu vượt Ngã Tư Sở… ngoài việc dành diện tích làm chỗ gửi xe, riêng hai trụ chính của các cầu vượt này không chỉ bị in, dán các mẩu tin tuyển nhân viên bán hàng, khoan cắt bê tông, cho thuê nhà… mà còn là chỗ trú chân lý tưởng cho các hàng sửa xe, đội ngũ xe ôm và các quán nước tự phát… rất mất mỹ quan đô thị.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, PGS. TS. Lưu Đức Hải cho biết: trong điều kiện các đô thị nước ta hiện nay, quy hoạch tổng thể đồng bộ cả về tổ chức không gian đô thị cũng như tổ chức mạng lưới giao thông chưa đi trước một bước. Còn thiếu quy hoạch kết nối mang tính tổng thể và dài hạn. Đơn cử vừa qua, việc xây mới và tháo dỡ các cây cầu vượt cho thấy, các công trình hạ tầng chưa được đầu tư trung và dài hạn mà chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững. Cầu vượt bộ hành là một ví dụ điển hình. Cơ quan chức năng khẳng định việc xác định vị trí của các cầu bộ hành đều được nghiên cứu kỹ, nhưng số cầu bộ hành khi đưa vào sử dụng đã không phát huy tác dụng, lượng người đi bộ sử dụng cầu vượt bộ hành còn ít hoặc các công trình này sớm phải di dời để thi công các công trình khác (dự án chồng dự án) gây lãng phí.

Quy hoạch cần đi trước một bước

Thực tế, việc xây dựng các công trình cầu tại các đô thị thời gian qua đã góp phần nâng cấp, phát triển, hiện đại hóa hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, bất cập như việc thực hiện công tác quy hoạch, thiết kế, đầu tư, xây dựng công trình cầu trong đô thị chưa được quan tâm thích đáng, chất lượng nhanh xuống cấp, sớm lạc hậu về kiến trúc, cảnh quan, sớm quá tải, bất hợp lý về phân luồng giao thông. . . Theo đó, để bảo đảm các cây cầu trong đô thị được đầu tư xây dựng không bị lãng phí và tháo dỡ ngay sau đó do công năng sử dụng không hiệu quả, một trong những vấn đề đặt ra là quy hoạch cần phải đi trước một bước.

Góp ý vào giải pháp xây dựng cầu vượt trong đô thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng Lưu Đức Hải đề xuất: cần có sự kết hợp liên ngành để bổ sung, đóng góp ý kiến quy hoạch tổng thể, định hướng quy hoạch xây dựng các cây cầu cần có sự đánh giá, khảo sát, đặc biệt là dự báo được mật độ các phương tiện lưu thông trong tương lai để tránh tình trạng xây dựng xong khai thác không hiệu quả. Đồng thời, cần có quy hoạch mang tầm nhìn trung và dài hạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch không gian đô thị và tổ chức giao thông xung quanh các nút giao thông có cầu vượt.

Đồng quan điểm trên, ThS. Trần Văn Nhân, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cũng cho rằng, các nhà quản lý quy hoạch và chính quyền các đô thị cần tăng cường nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trong đó, công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan cầu, đường đô thị là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu. Bên cạnh quy hoạch tổng thể cho các mô hình cầu vượt, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có phương án thiết kế cho từng cây cầu trên cơ sở thi tuyển thiết kế kiến trúc. Mặt khác, tùy vào từng loại cầu cũng như vị trí mà lựa chọn giải pháp chiếu sáng cho cầu để bảo đảm yếu tố thẩm mỹ và an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Một giải pháp quan trọng nữa là xây dựng đường trên cao trong đô thị - đây là loại hình cầu (đường) giao thông phù hợp cho các đô thị có mật độ giao thông cao trong khi các phương tiện giao thông công cộng còn thiếu.