Bộ GTVT đã có đề án phát triển hợp lý hệ thống giao thông công cộng. Hà Nội cần xây dựng đề án này để HĐND TP Hà Nội quyết định.

Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, phiên họp của Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng 29/12 mở đầu bằng phần phát biểu của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.

Trong phát biểu của mình, ông Thăng có nhắc đến đề xuất của Hà Nội về lộ trình hạn chế xe cá nhân.

Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng, Bộ GTVT đã xây dựng đề án phát triển hợp lý hệ thống giao thông công cộng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận và giao cho các thành phố lập đề án trình HĐND quyết định từ tháng 1/2014. Mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên đề án sẽ do HĐND địa phương đó quyết định và Bộ GTVT phối hợp thực hiện. Trong đề án này sẽ tập trung đẩy mạnh giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân theo từng tuyến phố, giờ cao điểm… “Hà Nội và TP HCM cần xây dựng đề án để trình HĐND” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Trước đó, tại phiên họp này, sáng 28/12, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: bình quân hàng tháng, Hà Nội có đăng ký mới 18.000- 22.000 xe máy, 6.000-8.000 xe ô tô. Với tốc độ này, chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên, đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và sẽ có 7 triệu xe máy. Hà Nội đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương phối hợp với TP Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

“Chỉ cần với tốc độ như hiện nay nếu không có ngay giải pháp thì 4-5 năm nữa vấn đề giao thông phức tạp” – lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh.

Để phát triển giao thông đô thị bền vững, Bộ Giao thông - Vận tải đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Hà Nội đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị chiếm 2-3%; của Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại, trong đó đường sắt đô thị 4-5%. Nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC với chi phí phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; hoàn thiện mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt và xe buýt nhanh trong các đô thị từ loại 1 trở lên, đưa vào vận hành từ một đến hai tuyến đường sắt đô thị tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển phương tiện vận tải công cộng sức chứa nhỏ và xe taxi đảm bảo gom khách cho dịch vụ xe buýt và đường sắt đô thị.