Ngày 22/9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp cùng đại diện các sở, ngành hữu quan nghe đơn vị tư vấn Pro Light&Sound (TP.HCM) trình bày đề án “Điểm nhấn âm thanh khi biểu diễn phun lửa, phun nước cho công trình cầu Rồng"

Mục tiêu của đề án là xây dựng ý tưởng, đề xuất phương án cụ thể về âm thanh khi cầu Rồng biểu diễn phun lửa, phun nước nhằm tạo điểm nhấn âm thanh có tính tự nhiên, đơn giản và dễ nghe, phù hợp với đặc điểm du lịch, thu hút du khách và đảm bảo môi trường.


Trong đó, đơn vị tư vấn Pro Light&Sound đưa ra 3 kịch bản với các chủ đề “Hào khí Việt Nam”, “Huyền thoại Rồng - Tiên“ và “Nhịp điệu thành phố”. Mỗi kịch bản đều có 3 phân đoạn chính (nhập đề, cao trào, kết thúc) với các hiệu ứng như nhạc nền, tiếng còi, tiếng gầm gừ, tiếng mưa, tiếng sấm chớp, tiếng nước, đổi màu trên cầu Rồng kết hợp với 2 hiệu ứng chính của cây cầu là phun lửa và phun nước. Thời lượng của mỗi kịch bản khoảng hơn 10 phút.

Pro Light&Sound cũng đưa ra hai phương án về bố trí âm thanh. Phương án 1 gồm lắp đặt 82 loa công suất 100/400W trên 42 trụ thép chiếu sáng ở khu vực đầu cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo, khu vực đuôi cầu Rồng và khu vực chiếu nghỉ phố đi bộ ở bờ Tây cầu Rồng với tổng mức đầu tư 6,4 tỉ đồng; kinh phí bảo trì, bảo dưỡng 1 năm là 640 triệu đồng; kinh phí vận hành 1 năm là 480 triệu đồng.

Phương án 2 lắp đặt 06 cụm loa trên trụ thép dựng mới; trong đó có 02 cụm công suất 6.000W/cụm đặt đối xứng trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (dưới cầu Rồng), 02 cụm công suất 7.200W/cụm đặt đối xứng trên thảm cỏ hai bên đường dẫn đầu cầu Rồng (phía Đông), 02 cụm công suất 4.800W/cụm đặt đối xứng trên chiếu nghỉ phố đi bộ đường Bạch Đằng (phía Tây). Tổng mức đầu tư cho phương án này là 9,35 tỉ đồng; kinh phí bảo trì, bảo dưỡng 1 năm là 467,5 triệu đồng; kinh phí vận hành 1 năm 480 triệu đồng.

Qua thảo luận, hầu hết đại diện các sở, ngành chọn phương án 2, tuy tổng mức đầu tư cao hơn nhưng sử dụng hệ thống loa công suất lớn; loa chuyên dụng ngoài trời, được bố trí tập trung nên chất lượng âm thanh cao hơn so với phân tán từng loa riêng như phương án 1; diện tích phủ âm lớn, hệ thống loa lắp đặt độc lập nên công tác quản lý, vận hành thuận tiện; hệ thống dây điều khiển tập trung đến từng cụm nên công tác bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thuận tiện.

Tuy nhiên, về kịch bản, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT-DL Trần Quang Thanh và đại diện Sở TT-TT cho rằng các huyền sử (như huyền sử về Ngũ Hành Sơn) được giới thiệu phải thật chính xác theo các tài liệu chính thức đã được công bố. Phần âm nhạc cũng cần phù hợp với từng phân đoạn, chủ đề. Không nên sử dụng các bản nhạc có quá nhiều ca từ nói về thời kỳ chiến tranh hay tiếng gầm gừ hơi thiên về bạo lực mà nên sử dụng âm nhạc, các hiệu ứng âm thanh phù hợp với sông Hàn êm dịu, với Đà Nẵng an bình, đáng sống để hấp dẫn du khách…


Các đại biểu dự họp xem xét các hiệu ứng âm thanh khi cầu Rồng phun lửa, phun nước

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, tạo điểm nhấn âm thanh khi cầu Rồng phun lửa, phun nước “nghĩ thì đơn giản nhưng rất khó đưa ra được phương án” bởi đây là việc chưa có tiền lệ, chưa ai từng làm. Đà Nẵng bắt tay vào làm đầu tiên với yêu cầu phải phù hợp với điều kiện địa phương, với du khách, với văn hóa… nên tất yếu sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kịch bản trình diễn phải mang đậm bản sắc Đà Nẵng, kể được câu chuyện về TP này.

Do vậy, ông giao Sở VH-TT-DL chịu trách nhiệm viết kịch bản tương ứng với 3 phân đoạn trình diễn như nêu trên. Phân đoạn 1 (mở đầu) kêu gọi mọi người chú ý Rồng bắt đầu về, đánh thức tiềm năng của sông Hàn, của người Đà Nẵng để tạo nên sức mạnh đồng thuận. Phân đoạn 2 (phun lửa, phun nước) phải thể hiện cho được quyết tâm của người Đà Nẵng làm biến đổi không gian, xây dựng và phát triển TP.

Phân đoạn 3 (kết thúc) là phân đoạn “có kết quả nhưng phải hướng tới tương lai”. Đà Nẵng đã xây dựng, đạt được những kết quả ban đầu nhưng vẫn phải hướng đến tương lai với hy vọng TP tiếp tục phát triển, người dân tiếp tục được sống an bình, TP tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Để phân đoạn 3 là phân đoạn kết thúc nhưng cũng là phân đoạn mời gọi.

Ông cũng yêu cầu chọn tiếng gầm gừ phải giống tiếng của rồng khi quẫy mình, phun nước, phun lửa chứ không phải nghe tiếng rồng mà thành tiếng hổ, báo. Theo ông, việc này rất khó, giống như khi chọn mô hình đầu Rồng. Vì vậy phải thử các loại âm thanh ở nhiều cường độ, tần số khác nhau để tìm ra âm thanh phù hợp nhất. Âm nhạc cũng phải lựa chọn phù hợp với từng chủ đề. Hiệu ứng ánh sáng trên cầu Rồng phải đồng điệu với kịch bản, với từng phân đoạn để người xem có thể cảm nhận được sự hòa quyện của âm thanh, ánh sáng và đúng chủ đề.

“Không cố định một kịch bản mà cần có nhiều kịch bản khác nhau tùy theo từng mùa, từng chủ điểm để bữa tiệc chúng ta mời du khách phải luôn thay đổi món. Phải làm sao để du khách đến lúc nào cũng thấy bất ngờ, lúc nào cũng khác biệt và lúc nào cũng hấp dẫn!” – ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.


Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Trần Quang Thanh phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Bên cạnh đó, ông đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm việc chiếu sáng khi phun nước để tạo ra những ánh nước lung linh; nghiên cứu lắp thêm đèn pha vào đầu rồng để tạo sự khác biệt khi phun lửa, phun nước chứ hiện nay sự khác biệt chỉ mới thể hiện ở phần thân rồng. Mắt rồng cũng cần có hiệu ứng khi rồng phun lửa, phun nước để thêm phần sinh động, hấp dẫn… Đồng thời nghiên cứu thêm giải pháp thu hút khách ở phía đuôi rồng để dù đứng ở đây thì du khách vẫn cảm nhận được cầu Rồng đang phun lửa, phun nước ở phía đầu rồng.

Đối với hệ thống âm thanh, ông Đặng Việt Dũng đồng ý chọn phương án 2 vì hiệu ứng âm thanh tốt hơn. Tuy nhiên ông yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp với Sở Xây dựng lựa chọn kích thước trụ, vị trí đặt các hệ thống loa tập trung phù hợp. Yêu cầu đặt ra là không phá vỡ cảnh quan chung rất đẹp của cầu Rồng, đặc biệt là không đặt trụ ở phía bờ Tây; hiệu ứng âm thanh tốt nhất cho người nghe, người xem; thuận lợi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo trì. Đồng thời nghiên cứu thêm phương án sử dụng loa không dây; xây dựng quy trình vận hành, quy trình duy tu, bảo dưỡng, tập huấn việc vận hành và nghiên cứu giảm bớt tổng mức đầu tư…

Với tinh thần “giai đoạn này phải làm nhanh để đón mùa du lịch sắp tới chứ không đợi du khách đến rồi mới bắt đầu lắp đặt thì sẽ mất cơ hội”, ông Đặng Việt Dũng giao thời hạn đến ngày 15/10, đơn vị tư vấn và các cơ quan chức năng hoàn thành các yêu cầu nêu trên và báo cáo lần cuối để trình lãnh đạo TP xem xét, phê duyệt. Sang năm 2016 bắt đầu tổ chức mời thầu và tiến hành triển khai thi công.

“Làm được cái món này chắc là cũng ngon đấy, hấp dẫn đấy. Sau này chúng ta còn làm thêm nhiều món trên cầu Rồng nữa nhưng hôm nay chưa nói ra vội. Trước hết là làm cái này cho tốt cái đã!” – ông Đặng Việt Dũng chốt lại.