Bệnh gút là bệnh thuộc dạng viêm khớp, bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn với các nữ giới, đây là bệnh khiến nhiều người lo lắng vì các cơn đau khó chịu từ các khớp. Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh gút và cách điều trị bệnh như thế nào. Cùng đón xem bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân dẫn đến bệnh gút


Trên thế giới bệnh Gút thường gặp ở các nước phát triển và đang phát triển, chiếm khoảng 0,02 – 0,2% dân số, nam giới chiếm chủ yếu trên 95% và ở độ tuổi thường từ 30 tuổi trở lên. Ở Việt Nam theo thống kê của Khoa xương khớp Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 20 năm tốc độ gia tăng của bệnh cũng khá đáng báo động từ 1,5% các bệnh viêm khớp do Gút (1978-1989), đến 6,1% (1991-1995) và 10,6% (1996-2000). Trong đó có đến 99% là nam giới có độ tuổi từ 30 trở lên.

Nguyên nhân gây bệnh Gút chính là do acid uric máu cao, được gọi là tăng acid uric máu khi nồng độ acid uric máu vượt quá giới hạn tối đa của độ hòa tan của urat trong huyết tương, cụ thể là: Trên 420 µmol/l đối với nam, trên 360 µmol/ đối với nữ.
Nguyên nhân gây ra tăng acid uric máu thì có nhiều, người ta phân ra 3 loại như sau:
+ Gút nguyên phát (đa số là gặp loại này): Loại này thường có yếu tố gia đình, khởi phát thường do ăn quá nhiều thức ăn chứa nhân purin và thường kèm theo uống quá nhiều rượu. Thường gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và số ít là nữ ở tuổi sau mãn kinh.
+ Gút thứ phát: Là hậu quả của tăng acid uric máu do tiêu tế bào quá mức (bệnh bạch cầu thể tủy mạn tính, thiếu máu huyết tán, bệnh vẩy nến diện rộng…) hoặc do suy thận.
+ Gút do bất thường về enzym: Do thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym HGPRT, là enzym tham gia vào quá trình chuển hóa acid uric, gây ra bệnh Gút khởi phát sớm ở trẻ em (rất nặng và hiếm gặp).

Triệu chứng và chẩn đoán bệnh

Triệu chứng bệnh
Giai đoạn đầu tiên thường là không có bất kỳ triệu chứng nào ngoại trừ nồng độ acid uric trong máu cao. Các triệu chứng đầu tiên thường gặp là ngón cái sưng đỏ và đau nhức. Thường thì cơn đau sẽ xảy đến sau một tác động vật lý nào đó tại chỗ bị đau, hoặc sau một sự kiện về dinh dưỡng (ăn nhậu, tiệc tùng).

Đau thường xuất hiện ở các khớp bao gồm các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể. Các tinh thể muối urate gây viêm khớp, dẫn đến sưng đỏ, nóng, đau, và cứng khớp.

Hầu hết các bệnh nhân có các cơn đau tái phát trong vòng vài năm, tuỳ theo thể trạng và lối sống, mà thường là từ 1-3 năm. Nếu không chữa trị, trong giai đoạn sau, các cơn đau khớp cấp sẽ gây tổn thương nhiều khớp, làm tổn thương khớp, mất vận động, đau mãn tính và hình thành cục tophi (do tinh thể Urat lắng đọng trong mô mềm).

Chẩn đoán
Gút thường được chẩn đoán lâm sàng bằng cách chọc hút dịch khớp và tìm tinh thể muối Urat dưới kính hiển vi. Cách thông thường để nhận biết đối với bệnh nhân xuất hiện cơn gút cấp đầu tiên là cho uống Colchicine. Sau một vài giờ, thuốc có tác dụng giảm đau, thì có thể đó là gút.

Trong cơn gút cấp, nồng độ Acid uric máu có thể bình thường chứ không nhất thiết phải tăng cao. Do đó, không thể sử dụng xét nghiệm máu để loại trừ chẩn đoán gút cấp. Tuy nhiên, có thể giám sát nồng độ Acid uric máu để theo dõi hiệu quả của phương pháp điều trị thể hiện ở nồng độ Urat trong máu giảm.

Cách điều trị bệnh gút

Một khi đã mắc bệnh gút thì cơn gút cấp sẽ xảy ra sớm hoặc muộn dù bạn có dùng hay không dùng thuốc. Mục tiêu trong điều trị bệnh gút chính là giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn khi bị cơn gút cấp tấn công, giúp khoảng cách giữa các cơn gút dài ra, ngăn ngừa các cơn tấn công khác và tránh sự hình thành của sạn thận và khối u dưới da quanh khớp bị gút. Quá trình điều trị thành công có thể giúp làm giảm các khó chịu do triệu chứng gút gây ra cũng như giảm mức độ phá hủy về lâu dài ở những khớp xương bị gút.

Sau khi chẩn đoán gút được xác định, một số loại thuốc sẽ được chỉ định trong điều trị cơn gút cấp. Đối với hầu hết các bệnh nhân, thuốc tốt nhất trong cơn gút cấp là thuốc chống viêm không Steroid (NSAID). Bên cạnh đó, ta có thể sử dụng một số thuốc như colchicine (chú ý colchicine có nhiều phản ứng phụ) dùng 2-3 lần / ngày, dùng càng sớm càng tốt. Đôi khi, steroid được sử dụng để điều trị bệnh gút. Nếu các cơn gút cấp xảy ra thường xuyên và nặng hơn, cần can thiệp y tế kịp thời. Một trong những phương pháp điều trị khá phổ biến hiện nay là kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại.

Bên cạnh điều trị bằng thuốc ra, thì bệnh nhân cần tránh ăn thức ăn có nhiều chất purine như gan, thận, óc, cá sardines… Ngoài ra, bạn nên uống nước một ngày 2- 3 lít để làm nước tiểu loãng ra và ngừa sạn thận. Tránh uống rượu ,bia. Nếu mập mạp thì hãy cố giảm cân đúng cách. Giảm cân không đúng cách, quá nhanh cũng có thể dễ bị đau thống phong.

Với các thông tin từ bệnh gút và cách điều trị trên hi vọng mang đến cho các bạn nhiều thông tin hữu ích về tình trạng bệnh gút hiện nay, cũng như tìm cách chữa trị nhanh chóng để ngăn ngừa bệnh tái phát nặng hơn.
VIện Gút