Ba nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường: Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định Quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường… đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương lấy ý kiến góp ý dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn tính khả thi của những quy định mới.


Ảnh minh họa

Khó khăn chồng chất nếu ký quỹ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức cuộc góp ý kiến Dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, tại cuộc họp, các doanh nghiệp cho rằng quy định ký quỹ trong nhập khẩu phế liệu gây khó cho doanh nghiệp.

Khi nhập khẩu phế liệu, doanh nghiệp phải ký quỹ trước 30 ngày khoản tiền bằng 50% tổng giá trị lô hàng phế liệu. Quy định này nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường khi không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; doanh nghiệp chỉ được hoàn lại tiền sau khi hoàn thành các thủ tục thông quan.

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, mức ký quỹ 50% là cao, gây khó khăn tài chính cho doanh nghiệp. , Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam - ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng: Năm 2013, các doanh nghiệp ngành thép sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô và năm 2014 dự kiến khoảng sáu triệu tấn; trong đó, hơn 90% được luyện bằng thép phế liệu. Nguồn cung thép phế liệu trong nước chỉ đạt khoảng hai triệu tấn và Việt Nam phải nhập khẩu 3,5 - 4 triệu tấn thép phế liệu, tương đương khoảng một tỷ USD. Nếu phải ký quỹ bảo vệ môi trường thì các doanh nghiệp phải bỏ ra 500 triệu USD để ký quỹ. Các doanh nghiệp thép trong nước phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, khả năng cạnh tranh thấp, nên nếu gánh thêm khoản phí này sẽ vô cùng khó khăn.

Một số ý kiến khác cho rằng, quy định tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản sẽ là một gánh nặng với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Dự thảo quy định, các dự án khai thác khoáng sản phải có Đề án cải tạo, phục hồi môi trường và việc phục hồi, cải tạo môi trường phải làm song song trong quá trình khai thác khoáng sản; số tiền ký quỹ bằng tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. “Tiền ký quỹ là khoản tiền lớn, trong khi đó, lãi suất được quỹ hoàn trả thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tín dụng là gây thiệt cho doanh nghiệp. Tiền ký quỹ chỉ được rút cả gốc và lãi khi doanh nghiệp hoàn thành việc cải tạo môi trường, có nghĩa là tiền cứ nằm im trong quỹ, không được quay vòng để phục vụ sản xuất càng “bó tay” doanh nghiệp”- ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói.

Trước những khó khăn tiên lượng như vậy, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giảm mức ký quỹ, cho phép doanh nghiệp rút tiền ra để khắc phục sự cố hoặc bỏ các quy định này vì Luật Bảo vệ môi trường không quy định ký quỹ; thay vào đó, nên có hướng dẫn để để doanh nghiệp tự giác thực hiện quy định bảo vệ môi trường, và giảm được gánh nặng, thiệt thòi về tài chính cho doanh nghiệp.

Người dân được đánh giá doanh nghiệp

Một nội dung quan trọng khác của dự thảo cũng được các đại biểu quan tâm góp ý, đó là quy định cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng. Đây là một quy định mới và được dự đoán sẽ có nhiều phức tạp cho môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cấm hoàn toàn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện để phá dỡ. Theo Ban soạn thảo, phá dỡ tàu cũ được coi là một ngành kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, thu hút hàng nghìn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Nhưng việc cho phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ cũng tiềm ẩn những mặt bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu không quản lý tốt.

Theo dự thảo, để được nhập khẩu tàu biển về phá dỡ, doanh nghiệp phải có hồ sơ về bảo vệ môi trường (gồm bản kê khai tình trạng tàu và bản cam kết của tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng bảo đảm đáp ứng quy chuẩn môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường của cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng...); doanh nghiệp bắt buộc phải mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại về môi trường.

Tuy vậy, khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm chưa cung cấp dịch vụ bảo hiểm này. Đại diện Cục Cảnh sát Bảo vệ môi trường (Bộ Công an) đề nghị cần tách bạch khái niệm “nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng”; nếu khái niệm này bao gồm cả nhập tàu cũ thì không thuộc trách nhiệm của cơ quan môi trường.

Dự thảo nâng cao quyền của người dân trong việc giám sát bảo vệ môi trường bằng quy định cộng đồng dân cư có quyền đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và gửi kết quả này cho cơ quan có thẩm quyền. Còn doanh nghiệp phải cung cấp cho cộng đồng dân cư phương án bảo vệ môi trường, giấy phép khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường…

Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp lo ngại là sự gây khó dễ, đánh giá thiếu khách quan của người dân khi không muốn doanh nghiệp triển khai dự án, gây chậm tiến độ dự án. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần cụ thể hóa nghĩa vụ của cộng đồng, nếu trong thời hạn quy định mà cộng đồng không ra được bản đánh giá thì trách nhiệm thuộc về cá nhân nào?

Đại diện Ban Soạn thảo, ông Dương Thanh An, vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Tổng cục Môi trường cho biết, các ý kiến góp ý sẽ được Ban Soạn thảo cân nhắc, tiếp thu và tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Các nghị định sẽ được ban hành để kịp hướng dẫn vào thời điểm Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực (1-1-2015).