Trước hết cần lưu ý các cảnh báo về môi trường nước trước khi bơi. Tuy nhiên các khu du lịch biển tại Việt Nam hiện chưa thấy có bảng cảnh báo này. Nếu thấy cảnh báo có nhiều sứa du khách cần hết sức đề phòng khi tắm biển. Phòng tránh để không bị sứa đốt là cách tốt nhất khi tắm biển. Khi cần xuống nước vì các mục đích khác (ví dụ như nghiên cứu khoa học,…) ở vùng có nhiều sứa thì cần phải mặc đầy đủ quần áo lặn, mang giầy cao su và kính bảo hộ để bảo vệ, tránh tối đa sự tiếp xúc va chạm với sứa - Ở một số vùng biển du khách nên tránh bơi lặn trong thời gian sứa ngứa xuất hiện với mật độ cao. Ở Việt Nam thời gian có sứa gây ngứa xuất hiện có lẽ là hầu hết các tháng trong năm nhưng với mật độ khác nhau. Tuy nhiên với các số liệu ban đầu có được khi tìm hiểu tại các khu du lịch, bãi tắm thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Nha Trang, Vũng Tàu,… cần lưu ý khi tắm biển vì rất dễ gặp sứa ngứa (Chrysaora). Một số loài của giống Chrysaora xuất hiện phổ biến từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm đúng vào mùa du lịch biển ở miền Bắc.
Hiện tại, bước đầu xác định được 3 loài sứa thường gây bỏng ngứa cho người tắm biển và thợ lặn tại một số vùng biển ven bờ Việt Nam. Tuy nhiên các loài này không gây thương tích nặng, chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận sứa gây chết người khi tắm biển, chưa phát hiện được các loài sứa độc thuộc nhómsứa hộp tại vùng biển ven bờ Việt Nam. Xử lý tác hại khi bị sứa đốt Khi bị sứa đốt, người bơi, lặn cần nhanh chóng rời khỏi mặt nước để tránh trường hợp có thể bị sốc nặng dẫn đến chết đuối. Chỗ bị sứa đốt thường sưng đỏ, có cảm giác nóng xung quanh, trường hợp nhẹ không đáng ngại nhưng nếu nặng sẽ có những triệu chứng nhức đầu, co thắt cơ bắp. Khi tắm biển bị sứa đốt, cần làm ngay những việc sau: 1. Nhanh chóng rửa vết thương bằng cách dội ngay nước biển hoặc nước muối đậm đặc vào chỗ bị sứa đốt để làm sạch các tế bào phóng độc, không dùng nước ngọt vì nước ngọt sẽ kích thích những tế bào chứa gai nhọn tiếp tục phóng độc. 2. Người cứu giúp dùng tay đã được đeo găng hay quấn khăn hoặc túi nilon (để tránh bị thương nếu chạm vào ngòi đốt của sứa) lấy ra khỏi nạn nhân các xúc tu hay tay sứa nếu còn bám trên người, sau đó chà xát để lấy hết gai sứa ra (có thể dùng vật có cạnh như thìa, vỏ sò, dao, thẻ tín dụng, v.v. cạo hay chà sát nhẹ nên vết đốt để lấy tế bào phóng độc còn lại ra khỏi vết thương). 3. Trung hòa các độc tố trong tế bào chứa gai nhọn mục đích làm giảm đau bằng cách dùng dấm loãng (nồng độ axit acetic 3 - 10%) dội lên vùng bị thương. Có thể dùng nước sô đa, nước mì chính bôi vào vết thương hoặc dùng chanh chà vào vết thương. 4. Chườm đá lên vùng bị thương nhằm giảm đau, bớt sưng tấy và ngăn không cho nọc độc sứa lan rộng. Tại chỗ da nạn nhân bị sứa đốt có thể dùng một loại histamin hoặc kem hydrocortison bôi lên nhằm làm giảm sưng ngứa. 5. Nếu người bị sứa đốt vẫn còn đau nhức, có thể uống aspirin, nếu có biểu hiện trầm trọng hơn (như khó thở,…) phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Du khách khi đi du lịch biển nên mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, thuốc chữa tiêu chảy và một chai dấm để khi bị sứa đốt thì chủ động xử lý để bảo vệ mình và người thân khi tắm biển. Kinh nghiệm dân gian xử lý tác hại khi bị sứa đốt bằng cây muống biển: Muống biển là cây thuốc quý chữa dị ứng do sứa đốt khi tắm biển. Đây là loài cây phân bố rộng mọc hoang bò trên thân đê và trên bãi biển, rất phổ biến ở vùng ven biển nước ta suốt từ Bắc vào Nam. Muống biển có nhiểu ở vùng ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nghệ An, Hà Tĩnh v.v. Muống biển (Ipomoea pescaprae) còn có tên là rau Muống biển, Mã an đằng, Nhị diệp hồng thự,… thuộc họ Khoai lang (Convolvulaceae). Muống biển là loài thực vật thân hình dây, sống lâu năm, mọc bò lan trên mặt đất, có hoa như hoa rau muống màu hồng tím nở vào mùa hè và mùa thu. Thân cây có màu tím như thân rau muống, phân rất nhiều cành nhưng không rỗng mà là thân đặc. Lá mọc so le, gần như hình vuông, phía cuống hình tim, đầu lá hơi tròn và xẻ thành hai như hình móng chân con trâu. Lá non gồm 2 mảnh cụp vào nhau. Lá và dây có nhựa đục trắng như sữa, khi ngắt nhựa đục trắng chảy ra giống như nhựa khoai lang.
Khi tắm biển bị nhiễm độc do tiếp xúc với sứa, du khách cần nhanh chóng bơi vào bờ, loại bỏ các lông châm của sứa đang găm trên da; hái vài lá muống biển, nhai nát rồi đắp vào phần da tiếp xúc với sứa, vùng da tổn thương sẽ lành rất nhanh. Trong trường hợp tắm biển bị sứa đốt gây ngứa rát nhiều chỗ trên cơ thể, có thể lấy một mớ Muống biển gồm cả thân giã nát, hòa với nước sạch, gạn lọc lấy dung dịch đậm đặc. Sau khi tắm nước ngọt, du khách dùng dung dịch Muống biển thoa khắp cơ thể để chữa bỏng ngứa rất hiệu quả.