Xu hướng mới trong lĩnh vực chứng nhận hệ thống cáp kết nối

Thứ năm, 14 Tháng 11 2013 09:00 | Số truy cập: 245
Những thảo luận về công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay thường đề cập đến các thuật ngữ: điện toán đám mây, ảo hóa, lưu trữ mạng, phần mềm như một dịch vụ (Saas), SLA... nhưng hiếm khi nhắc đến lớp vật lý. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tất cả công nghệ mạng đều phải dựa trên nền tảng lớp vật lý và cơ sở hạ tầng kết nối cáp để hỗ trợ cho nó. Tương tự các công nghệ khác, lớp vật lý trong mô hình 7 lớp của OSI đang dần thay đổi. Việc xử lý chứng nhận và lắp đặt ngày càng phức tạp khiến các nhà tư vấn và chủ sở hữu hệ thống mạng không thể bao quát hết được những thay đổi này, họ sẽ đấu tranh vì lợi nhuận và sự sống còn của doanh nghiệp.

Bài viết này trình bày tình hình chung về lĩnh vực kết nối cáp hiện nay, đánh giá các yếu tố sẽ mang lại thành công cho các nhà thầu thi công lắp đặt kết nối cáp khi phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về khả năng quản lý nhiều dự án, nhiều môi trường truyền, nhiều tiêu chuẩn và nhiều công nghệ khác nhau. Khả năng ‘quản lý mọi thứ’ sẽ là yêu cầu mới và ngày càng phổ biến trong chứng nhận hệ thống cáp. Các nhà lắp đặt kết nối cáp chuyên nghiệp cần phải tạo ra khác biệt gì để đảm bảo thành công và mang lại lợi nhuận? Sẽ cần điều chỉnh những gì để phù hợp với sự thay đổi của môi trường truyền, tiêu chuẩn và một số yếu tố khác? Hơn nữa, chúng ta sẽ thay đổi cách quản lý dự án như thế nào? Phần dưới đây sẽ phân tích rõ những khả năng này.

Môi trường thay đổi
Như chúng ta biết, việc lắp đặt lớp vật lý trong các TTDL đang thay đổi. Trước đây, kiến trúc mạng 3 tầng gồm tầng truy cập, tầng phân phối và tầng lõi thường được sử dụng khi thiết kế TTDL. Tuy nhiên, đang có những thay đổi đáng kể khi các máy chủ và các thiết bị lưu trữ riêng lẻ giờ đã được ảo hóa, dẫn đến sự gia tăng mật độ và nhu cầu về hiệu suất cao trong TTDL. Kiến trúc mạng 3 tầng sẽ bị phá vỡ thành một kết nối mạng duy nhất, hứa hẹn mang đến hiệu suất cao hơn. Bên cạnh đó, thời đại của BYOD sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống mạng. Trong các nhánh ngang của kết nối mạng, các kết nối sẽ bị phủ đầy bởi lượng thiết bị không dây ngày càng tăng. Với những vấn đề liên quan đến thời gian truyền, giao thoa sóng, điểm truy cập giả mạo và một số vấn đề khác, Wifi sẽ khiến cơ sở hạ tầng mạng ngày càng thêm phức tạp.

Trong thập niên qua, các kết nối cáp đồng 1 Gbps đã được sử dụng vô cùng hiệu quả do có giá thành không đắt, lại dễ dàng lắp đặt và đo kiểm, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dùng. Nhưng đến hiện tại, nó đã không còn phù hợp và các hệ thống mạng đang chuyển dần từ kết nối cáp đồng 1 Gbps sang cáp đồng 10 Gbps, cáp quang 40 Gbps, thậm chí là 100 Gbps. Khi dữ liệu truyền trên mỗi kết nối cáp càng nhiều, thì vai trò của chúng cũng càng quan trọng hơn.

Thách thức từ sự phát triển
Các tiêu chuẩn mới được phát hành khiến vấn đề càng thêm phức tạp. Trước đây, người dùng sử dụng cáp Cat 5 như một lựa chọn tất yếu, nhưng giờ họ đã có nhiều lựa chọn hơn với Cat. 5e, Cat. 6, Cat. 6A hoặc Cat 7 đối với cáp đồng, và nhiều loại cáp quang khác. Sự đa dạng của tiêu chuẩn ngành, hệ thống đo lường và các yêu cầu hợp chuẩn càng làm tăng thêm tính phức tạp với những thuật ngữ viết tắt khó hiểu như TIA, ISO, EF, TCL, CDNEXT, TCLT, ELTCTL… và các chuẩn Wi-fi 802.11a, b, g, n, ac & ad. Xa hơn nữa là các khái niệm như “kéo cáp Cat. 6 này và kết nối đến tủ server, kéo cáp Cat. 6 này và kết nối đến switch, kéo cáp Cat. 5e này cho mạng LAN...”



Trong thời điểm hiện tại, những người chịu trách nhiệm triển khai và bảo trì cơ sở hạ tầng (các bộ phận thi công cáp, quản lý dự án, quản trị mạng và một số vị trí khác) đang phải đối mặt với sức ép về nguồn lực. với những ràng buộc về thời gian và chi phí, họ cần phải làm được nhiều việc hơn, với tốc độ nhanh hơn.
Một thực tế có thể không được thừa nhận trong tình huống này là sự hạn chế về nhân sự và chuyên môn. Một số nhân sự được đào tạo về chuyên môn để làm những công việc nhất định thường không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế (đặc biệt, tỷ lệ người thi công lắp đặt không tương xứng với số lượng cần lắp đặt) và một số khác bị hạn chế về chuyên môn. Sự phân chia giữa những người quản lý dự án và người thi công lắp đặt ngày càng rõ ràng. Những người quản lý dự án có các chứng chỉ nghề nghiệp và chuyên môn thật sự đáp ứng được yêu cầu của việc lắp đặt và đo kiểm, trong khi những kỹ thuật viên hoặc người thi công lại bị hạn chế về đào tạo, có chuyên môn thấp và thậm chí trong một số trường hợp còn sử dụng cả công nhân thời vụ.

Dù nguồn lực hạn chế và phải làm việc trong các môi trường có dự án kết nối cáp phức tạp, nhưng yêu cầu về số lượng lắp đặt và chứng nhận cáp vẫn ngày càng tăng. Theo các cuộc khảo sát, gần 95% nhà thầu mong muốn số lượng kết nối cáp được chứng nhận trong năm sau sẽ bằng hoặc cao hơn năm nay, 59% trong số đó muốn duy trì chỉ tiêu như cũ và 34% mong muốn đạt số lượng cao hơn. Trong quá trình thi công, đo kiểm và chứng nhận là công đoạn cần thiết nhằm đảm bảo mọi kết nối đều hoạt động tốt. Các bảng báo cáo chứng nhận sẽ giúp việc xử lý sự cố thuận lợi hơn, đây đồng thời cũng là yêu cầu bắt buộc trong chính sách bảo hành của các nhà sản xuất cáp.

Với khối lượng công việc nhiều và nguồn lực khan hiếm, các nhà thầu thường triển khai riêng biệt đội thi công/đo kiểm và đội dịch vụ. Thực tế, phương pháp tiếp cận này có thể làm tách biệt các nhân sự có khả năng sửa chữa những kết nối bị lỗi với các nhân sự sẽ phát hiện ra lỗi trong quá trình đo kiểm. Khi một lỗi được tìm thấy và không thể khắc phục ngay lập tức, công việc sẽ bị gián đoạn. Một khảo sát gần đây với những người thi công cho thấy, 55% trong số họ thường luân chuyển thiết bị đo kiểm của mình nhiều lần trong một tháng từ công trình này đến công trình khác.

Theo kết quả các cuộc khảo sát được thực hiện bởi Fluke Networks, 91% những người lắp đặt ở Mỹ, 90% ở Châu Á, và 97% ở Châu Âu cho biết có ít nhất một sự cố xảy ra trong 30 ngày gần nhất. Trong đó, hơn một nửa những người lắp đặt ở Mỹ và Châu Âu báo cáo có hơn 7 sự cố, và hơn một nửa những người lắp đặt ở Châu Á báo cáo có hơn 10 sự cố trong khoảng thời gian này.

Cần lưu ý rằng trong những sự cố này sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến cáp và thi công cáp. Khả năng xảy ra lỗi trong quá trình thi công là rất đáng kể. Do có nhiều người khác nhau cùng thi công, nên khi chứng nhận có thể gặp các lỗi như thông số đo kiểm không đúng, cấu hình nhầm, sai dữ liệu đo kiểm, kết quả không phù hợp, đo kiểm hoặc báo cáo không đầy đủ… Tính linh động của công cụ đo kiểm (có khả năng di chuyển từ công trình này qua công trình khác và quay lại công trình đang thi công mà không cần phải cài đặt lại thiết bị và dữ liệu) là yếu tố góp phần đáng kể giúp hạn chế các lỗi xảy ra trong quá trình này.
Những sự cố này sẽ làm giảm năng suất của người thi công. Dữ liệu khảo sát cho thấy, trung bình mất 45 giờ để giải quyết các sự cố về hạ tầng kết nối cáp trong những dự án có khoảng 1000 kết nối ở Mỹ. Con số này ở Châu Á là 61 giờ và ở Châu Âu là 26 giờ.

Đâu là giao điểm?
Mâu thuẫn giữa tính phức tạp ngày càng tăng và chuyên môn yếu chính là nguyên nhân tạo ra xung đột. Triết lý này ngụ ý rằng nếu thứ gì đó không thay đổi thì sẽ bị thứ khác thay thế. Khi tính phức tạp ngày càng tăng nhưng nguồn lực lại không tăng tương xứng, sẽ dẫn đến sự gia tăng về mặt thời gian hoặc chi phí cho mỗi lắp đặt. Điều này làm giảm tốc độ tăng trưởng do phải mất rất nhiều thời gian để kiểm tra và chứng nhận các kết nối, hoặc do chi phí tăng lên. Vì vậy, cần tập trung nâng cao chuyên môn và bổ sung thêm nguồn lực để bắt kịp với nhu cầu khối lượng và tính phức tạp ngày càng tăng nhanh hiện nay.

Rõ ràng, tính hiệu quả và linh hoạt chính là yêu cầu cần thiết cho những công cụ được sử dụng để đo chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp. Những công cụ này (đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong quá trình thi công) sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các nhà thầu lắp đặt. Trong 10 năm qua, tốc độ (cùng độ chính xác và độ tin cậy) chính là những giá trị vô giá mà công cụ chứng nhận đã cung cấp cho người dùng. Nhưng chính những xu hướng phát triển của ngành được mô tả trong bài viết này sẽ tạo ra cơ hội mới giúp các nhà quản lý rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, hạn chế độ phức tạp và lỗi trong quá trình cấp chứng nhận.

Nhiều dự án hiện nay thường áp dụng quy trình cấp chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp với 6 bước như sau:

1. Lập kế hoạch–Công việc của người quản lý dự án. Hầu hết các công ty thi công hiện nay đều quản lý việc đo kiểm và chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp của nhiều dự án cùng lúc, với nhiều đội, nhiều công cụ đo kiểm và nhiều yêu cầu khác nhau. Do đó, nhất thiết phải lập kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và tránh xảy ra những sai sót gây tốn kém.

2. Cài đặt–Kỹ thuật viên phải hiểu rõ mọi yêu cầu và sử dụng các công cụ được cấu hình đúng. Sự đa dạng về môi trường truyền và nhiều tiêu chuẩn khác nhau chỉ là một trong những yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến việc cài đặt. Do đó, khi sử dụng công cụ, các kỹ thuật viên phải được đào tạo về chuyên môn, nếu không đủ chuyên môn thì phải đợi các chuyên gia đến cài đặt công cụ nhằm đảm bảo mọi thông số đều đúng, tránh nguy cơ gây ra lỗi và phải làm lại.

3. Đo kiểm–Phải đảm bảo tốc độ đo kiểm ngày càng nhanh và chính xác hơn, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí nhân công trong quá trình đo kiểm nói riêng và quá trình thi công lắp đặt nói chung.

4. Xử lý sự cố–Trình độ chuyên môn của mỗi kỹ thuật viên khác nhau, chỉ cần thiếu một số kỹ năng nhất định về lắp đặt hoặc về các chuẩn cũng sẽ khiến tiến độ dự án bị chậm lại. Để tránh tình trạng này, các kỹ thuật viên cần phải luôn đảm bảo được các yêu cầu về chuyên môn.

5. Bảng báo cáo–Kết quả của việc lắp đặt. Lắp đặt theo nhiều phương pháp khác nhau sẽ làm tăng tính phức tạp do sử dụng nhiều người, nhiều nhóm đo kiểm, và nhiều mức độ đo kiểm khác nhau. Do đó, quá trình đưa ra các báo cáo chính xác thường mất nhiều thời gian. Nhưng các lỗi và sai sót sẽ được thể hiện rõ ràng nhất trong chính những bảng báo cáo này, giúp nhà quản lý nắm rõ nguyên nhân gây chậm trễ.

6. Bàn giao hệ thống–Đây là một thách thức lớn đối với khách hàng. Ngay cả những người lắp đặt khá hiểu biết về kết nối cáp vẫn có thể bị lúng túng bởi tính phức tạp ngày càng tăng, nên khách hàng, đặc biệt là những người không hiểu rõ về kết nối cáp, sẽ rất dễ bối rối bởi các bảng báo cáo phức tạp, các mức độ đo kiểm đa dạng và một số các yếu tố khác.



Tương lai của đo chứng nhận
Để đáp ứng những yêu cầu như trên, giải pháp khả thi nhất chính là bổ sung thêm nhiều người quản lý dự án có chuyên môn. Họ có thể sử dụng những tri thức chuyên môn được đào tạo và khả năng giám sát cần thiết để loại bỏ các vấn đề xảy ra và cải thiện hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thực tế, giải pháp này lại không mang tính khả thi về kinh tế. Khi đó, cần phải có một giải pháp khác, chính là sử dụng những công cụ đo kiểm có khả năng thực hiện những nhiệm vụ này và đồng thời cung cấp khả năng quản lý quá trình đo kiểm.

Giải pháp đo kiểm hỗ trợ những khả năng này sẽ giúp người quản lý xử lý công việc nhanh hơn, giúp tiến hành tất cả quá trình đo chứng nhận chỉ trong 6 bước, và hỗ trợ người quản lý xoay xở trong nhiều tình huống, nhiều dự án đo kiểm khác nhau. Để giải quyết những thử thách trong môi trường chứng nhận hiện nay, công cụ đo kiểm phải được thiết kế từ nền tảng của nhiều môi trường. Đáp ứng được điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những người quản lý dự án và kỹ thuật viên trong quá trình giải quyết các thử thách liên quan đến việc chứng nhận hiệu suất hệ thống kết nối cáp.

Chuyên tư vấn & cung cấp các giải pháp quản trị Data center và đo kiểm hệ thống cáp
Mr.Thanh
Email: thanhtrannsp@gmail.com
MB: 090 6878447