Nền giáo dục của Việt Nam có phải đã đến mức báo động? Đây là điều mà xã hội vô cùng lo lắng khi dịp gần đây ngày càng xuất hiện nhiều hành vi phản giáo dục của các thầy cô giáo.

Như báo đài đưa tin thì chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, liên tiếp xảy ra rất nhiều vụ bạo hành về thể chất lẫn tinh thần của giáo viên đối với học sinh khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Trong khi đó, nhiều công văn khẩn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cần phải xử lý nghiêm những mâu thuẫn thầy trò, phụ huynh - giáo viên nhưng rồi mọi chuyện vẫn cứ tiếp tục tái diễn khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên của nước ta hiện nay.

Nền giáo dục của Việt Nam đã đến mức báo động

Nhận xét về những vụ bạo hành trong ngành giáo dục thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng loạt vụ thầy cô trách phạt quá tay hoặc ứng xử với học trò phản sư phạm thời gian qua như: Bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng, không giảng bài cho học trò nhiều tháng liền… là những hành động bạo hành khiến xã hội không thể chấp nhận được. Đây chỉ là một số nhỏ trong số những ứng xử phản giáo dục bị báo chí phanh phui.


Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thạc Sĩ N.T Lan giảng viên đến từ trường Cao Đẳng Dược Hà Nội, đối với những vụ việc xảy ra trong thời gian qua, nên lưu ý rằng không nên nhìn nhận đó là vấn đề điển hình của nền giáo dục. "Tôi không cho rằng điều này nằm ở vấn đề nhân lực của ngành sư phạm vì ngành nào cũng có vấn đề nhân lực, ngành nào cũng có mặt phải mặt trái của nó nên không thể vì một cá nhân mà đánh giá cả tập thể. Đây thuộc về bản chất đạo đức của một vài cá nhân là thầy cô. Không thể lấy vài trường hợp này mà vẽ thành bức tranh của nền giáo dục. Vẫn còn rất nhiều thầy cô thương yêu học trò, lấy cả cái tâm ra để đào tạo nên những nhân tài cho đất nước".

Còn TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng những hiện tượng phản giáo dục vừa qua cho thấy không hẳn chứng minh quan hệ thầy - trò xuống cấp báo động mà có thể đâu đó, các thầy cô có những ứng xử chưa thực sự phù hợp trong các tình huống cụ thể với học sinh, chưa thực sự giảng dạy vì cái tâm của nghề, chưa thật sự tôn trọng các em và dẫn đến các phản ứng bốc đồng, mất kiểm soát của các em. Từ đó, dư luận xã hội về sự việc tăng lên, cho rằng quan hệ thầy - trò xuống dốc đến mức báo động.

Một nữ giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết trước đây, giao tiếp ứng xử sư phạm chỉ đưa vào như là một chuyên đề. Từ năm 2016, giao tiếp ứng xử sư phạm trở thành môn học bắt buộc trong trường ĐH đối với sinh viên sư phạm. Theo giảng viên này, ở các nước tiên tiến, trước khi vào sư phạm, người ta có bài đánh giá năng lực đầu vào xem bạn có phù hợp với nghề giáo hay không. Điều này không có nghĩa người không phù hợp sẽ bị từ chối ngay. Trong 1-2 năm đào tạo tiếp theo, trường sẽ tiếp tục cho sinh viên làm bài kiểm tra năng lực, nếu nhiều lần vẫn không phù hợp thì có thể bị chuyển sang ngành khác.

Phải chăng chúng ta cũng nên học tập theo cách làm này để lựa chọn ra những thầy cô giáo thực sự có tâm huyết đối với ngành giáo dục.